Thị trường chứng khoán trong mở cửa phiên đầu tuần tiếp tục có quán tính tăng điểm, cùng với thanh khoản dâng cao sau những thông tin tích cực, nhất là sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ sang nới lỏng của cơ quan quản lý.
VN-Index được sự ủng hộ của dòng tiền nhanh chóng có được sắc xanh và duy trì trạng thái hưng phấn suốt phiên, để đóng cửa tăng 14,64 điểm (1,38%) lên mức cao nhất trong ngày tại 1.079,28 điểm. Đây đã là phiên tăng điểm thứ 10 liên tiếp của chỉ số với tổng mức tăng hơn 56 điểm (gần 5,5%).
Sắc xanh cũng hiện diện trên các bảng điện tử ở Hà Nội. Trong đó, bộ chỉ số HNX-Index đi lên 2,98 điểm (1,44%) đạt 210,48 điểm và UPCoM-Index tăng 0,68% lên 77,28 điểm.
VN-Index có chuỗi tăng ấn tượng 10 phiên liên tiếp. Nguồn: Stockbiz. |
Đóng góp chủ lực cho đà đi lên của chỉ số tiếp tục là nhóm Vingroup. Trong đó, VIC của Vingroup là mã tạo ra nhiều tác động nhất khi tăng giá 5,5% lên 58.000 đồng (có thời điểm đã chạm giá trần). Còn VHM của Vinhomes cũng tăng tiếp 2,1% đạt 52.600 đồng và VRE của Vincom đóng cửa trong sắc xanh.
Cổ phiếu ngân hàng cũng có sự đồng thuận đi lên. Riêng VCB của Vietcombank tăng 1,5% đạt 92.800 đồng là mã ngân hàng đóng góp tốt nhất cho chỉ số chung. Ngoài ra còn có sắc xanh đồng loạt tại CTG (VietinBank), TCB (Techcombank), MBB (MBBank), STB (Sacombank), TPB (TPBank), HDB (HDBank)...
Cổ phiếu bất động sản bứt phá mạnh mẽ khi nhà đầu tư hưng phấn với thông tin giảm lãi suất. Sắc tím hiện diện tại các mã DIG của DIC Corp, DXG của Đất Xanh, NLG của Nam Long, KHG của Khải Hoàn Land, SGR của Saigonres...
Trong khi HQC của Hoàng Quân và SCR của TTC Land dư mua trần hàng triệu đơn vị, sau quyết định 133 của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/4/2023 phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp giai đoạn 2021-2030.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất phiên 3/4. Nguồn: FireAnt. |
Diễn biến tiêu cực được ghi nhận tại mã SAB của Sabeco khi giảm giá 2% về 181.000 đồng. Ngoài ra còn có BID của BIDV giảm 0,6%, MSN của Masan mất 1,3% hay VJC của Vietjet rơi 2,4% giá trị.
Không chỉ về mặt điểm số mà dòng tiền cũng hưng phấn cao. Thanh khoản trên các sàn dâng cao với tổng giá trị giao dịch đạt 16.386 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối tuần trước. Riêng thanh khoản tại HoSE tăng 20% chiếm 14.174 tỷ đồng và là mức cao nhất kể từ đầu tháng 2 đến nay.
Nhiều cổ phiếu đã được giao dịch với khối lượng lớn trở lại, đáng kể như mã chứng khoán đầu ngành SSI sang tay giá trị lớn nhất hơn 700 tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng SHB và STB lần lượt đạt 694 tỷ và 677 tỷ đồng. Các cổ phiếu VND, HPG, NVL, MBB, TCB được mua khoảng 380-550 tỷ đồng.
Điểm trừ của thị trường là dòng tiền của khối ngoại trở nên tiêu cực. Khối ngoại đã quay đầu bán ròng 313 tỷ đồng tại HoSE, trong đó tập trung bán mạnh cổ phiếu tài chính như STB (-148 tỷ), VND (-96 tỷ) và SSI (-84 tỷ).
Thị trường có chuỗi tăng điểm ấn tượng trong bối cảnh NHNN phát đi thông điệp khá rõ ràng về đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, được xem là yếu tố hỗ trợ tích cực cho xu hướng chứng khoán những quý tới.
Thống kê cho thấy chứng khoán thường có diễn biến tích cực trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, hiệu ứng sẽ khó phản ứng mạnh trong một tuần, một tháng mà cần thời gian bằng quý, bằng năm bởi chính sách cần có thời gian thẩm thấu vào nền kinh tế.
Chứng khoán MB tin rằng thị trường chứng khoán trong tháng 4 sẽ thẩm thấu các các thông tin vĩ mô và mùa báo cáo kinh doanh quý đầu năm.
VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Tuy nhiên, tâm lý ngắn hạn vẫn nên có sự thận trọng nhất định, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải, duy trì trạng thái tiền mặt để mua vào trong những nhịp điều chỉnh và hạn chế sử dụng margin.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...