Nhà đầu tư chứng khoán tiếp tục có niềm vui khi các chỉ số duy trì được sắc xanh dù mức tăng không quá lớn. VN-Index với sự hỗ trợ từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn đang có chuỗi tăng điểm đầy ấn tượng.
Trong phiên giao dịch cuối tháng 3, chỉ số đại diện sàn HoSE luôn được giữ trên mốc tham chiếu với đóng góp quan trọng của nhóm Vingroup và một số mã ngân hàng tăng nóng.
VN-Index kết phiên cuối quý tăng 5,2 điểm (0,49%) lên mức 1.064,64 điểm và tăng 5,7% so với đầu năm. Đây đã là chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp với tổng mức 41,54 điểm (4,06%), đáng chú ý là biên độ dao động khá hẹp với mức tăng chỉ khoảng 2-9 điểm mỗi phiên.
Lần gần nhất chỉ số này đạt chuỗi tăng 9 phiên là giai đoạn 26/7-5/8/2022 với tổng mức tăng đến 76,72 điểm (6,05%) hay lần trước đó nữa vào 17/11-27/11/2020 có mức tăng 59,43 điểm (6,25%).
VN-Index có chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp trong biên độ hẹp. Nguồn: Stockbiz. |
Đóng góp quan trọng cho sắc xanh ngày cuối tháng vẫn đến từ nhóm Vingroup sau một loạt thông tin tích cực về kinh doanh và tái cấu trúc tài sản. Trong đó, VHM bứt phá 3,9% lên 51.500 đồng để trở thành mã có tác động lớn nhất, cùng với VIC của Vingroup đi lên 2,4% đạt 55.000 đồng.
Cổ phiếu ngân hàng TCB của Techcombank trở lại mạnh mẽ với mức tăng 2,3% đạt 28.350 đồng. HDB của HDBank cũng là ngôi sao mới khi tăng tiếp 2,9% đạt 19.250 đồng. ACB tăng thêm 1,6% chạm mốc 25.000 đồng.
Một số cổ phiếu tầm trung và nhỏ khác cũng mức tăng đột biến trong ngày cuối tháng như NLG của Nam Long, BSI của Chứng khoán BSC, KBC của Kinh Bắc, TGG của Louis Capital, ADS của Damsan kết phiên trong sắc tím cùng thanh khoản lớn.
Trong khi đó, VCB của Vietcombank là lực kéo lùi mạnh nhất khi cổ phiếu ngân hàng này giảm 1,4% xuống 91.400 đồng. Các mã vốn hóa lớn khác như MSN của Masan mất 1,8% về 77.800 đồng, VNM của Vinamilk giảm 0,8% còn 74.400 đồng...
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất phiên cuối tháng. Nguồn: FireAnt. |
Thị trường về tổng thể đi lên vẫn đang trong nhịp giao dịch chậm khi tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 13.344 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản sàn HoSE chiếm gần 11.830 tỷ đồng, tăng 7% so với phiên hôm qua.
Độ rộng thị trường cũng không có quá nhiều khác biệt, với sắc xanh có phần nhỉnh hơn. Toàn sàn ghi nhận có 441 mã tăng giá so với 404 mã giảm giá và 248 mã đi ngang quanh mức tham chiếu.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng trở lại theo chiều hướng tích cực. Khối ngoại trong phiên chốt quý thực hiện mua ròng tổng cộng 180 tỷ đồng, tập trung mua HPG, VNM và VIC, trong khi đẩy mạnh bán STB, VND và SSI.
Trước tuần giao dịch, các chuyên gia chứng khoán cũng nhìn nhận thị trường sẽ đan xen nhiều thông tin tốt xấu và có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn.
VNDirect dự báo VN-Index dao động trong biên độ hẹp 1.030-1.070 điểm với bối cảnh thị trường chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét. Chứng khoán Đông Á cùng quan điểm chỉ số đang trong xu hướng đi ngang trong biên độ 1030-1080 điểm.
Chứng khoán Tân Việt (TVSI) theo đó đề xuất chiến lược swingtrade, tức mua trong các phiên giảm mạnh, thậm chí là các phiên xuyên thủng hỗ trợ đáy tháng 2 và bán trong các phiên hưng phấn với thanh khoản không cải thiện.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...