Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán tăng chậm, nhưng nhích lên phiên thứ 7 liên tiếp

VN-Index tính chung 7 phiên đã tăng hơn 33 điểm, nhưng mỗi phiên chỉ tăng khoảng 2-9 điểm, cùng với thanh khoản thị trường rơi về mức thấp.

Thị trường chứng khoán trong nước vẫn đang diễn biến khá ảm đạm khi nhà đầu tư không có nhiều động lực cả chiều mua và bán, chỉ số vẫn đang dao động trong biên độ hẹp nhưng theo chiều hướng tăng dần.

Phiên giao dịch mở cửa phiên 29/3 bị điều chỉnh nhẹ sau chuỗi tăng giá, nhưng lực mua lại xuất hiện trong phiên ATC giúp VN-Index lấy lại sắc xanh để nối dài chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.

Chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa vẫn tăng nhẹ 2,04 điểm (0,19%) lên mức 1.056,33 điểm. VN-Index đã tiến lên liên tục từ ngày 21/3 đến nay với tổng mức tăng hơn 33 điểm, nhưng mỗi phiên chỉ tăng nhẹ khoảng 2-9 điểm.

chung khoan,  VN-Index,  co phieu anh 1

VN-Index tăng 7 phiên liên tiếp từ ngày 21/3 đến nay. Đồ thị: TradingView.

Chỉ số tăng điểm nhẹ nên độ rộng thị trường có phần cân bằng cả về sắc xanh và sắc đỏ. Toàn sàn có 352 mã tăng giá, 382 mã giảm giá và 231 mã đi ngang quanh tham chiếu.

Đóng góp chính cho sắc xanh đến từ một số cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB của Vietcombank tăng 0,5% đạt 92.300 đồng, TCB của Techcombank tiếp tục đi lên 1,6% đạt 28.000 đồng, MBB có thêm 1,7% ở mức 18.300 đồng.

Một số mã vốn hóa lớn cũng có đóng góp quan trọng như MSN của Masan tăng 1,5% lên 78.800 đồng, VNM của Vinamilk tăng 0,7% đạt 74.900 đồng hay mã chứng khoán đầu ngành SSI tăng 1,2% ở mức 21.050 đồng.

Chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí GAS của PV Gas gây tác động xấu nhất khi giảm 0,9% về 102.800 đồng. Ngay phía sau là VPB của VPBank giảm 0,5%, MWG của Thế Giới Di Động giảm 1% hay SAB của Sabeco cũng trong sắc đỏ.

chung khoan,  VN-Index,  co phieu anh 2

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất phiên 29/3. Nguồn: FireAnt.

Thị trường vẫn đang giao dịch khá lình xình với thanh khoản xuống thấp, tổng giá trị trên các sàn đạt 9.372 tỷ đồng, giảm đến 26% so với hôm qua. Trong đó giao dịch tại HoSE chiếm hơn 8.300 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ đầu tuần.

Những mã giao dịch nhiều nhất là STB của Sacombank với giá trị sang tay hơn 425 tỷ đồng, tiếp theo là HPG (365 tỷ), ACB (370 tỷ) và thêm 3 mã HSG, VPB, SSI giao dịch trên 300 tỷ đồng trong phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng quay về trạng thái tiêu cực khi rút ròng mạnh. Khối ngoại sàn HoSE đã bán ròng gần 209 tỷ đồng, ngắt chuỗi 6 phiên mua ròng trước đó. Các mã bị bán mạnh nhất là nhóm tài chính STB, VPB và SSI.

Trước tuần giao dịch, khối phân tích nhiều công ty chứng khoán đã dự báo thị trường sẽ dao động trong biên độ hẹp để chờ đón những thông tin vĩ mô và ước kết quả kinh doanh ban đầu.

Chuyên gia VNDirect cho rằng với các thông tin tốt xấu đan xen, thị trường có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn với biên độ hẹp quanh vùng 1.030-1.070 điểm, bối cảnh thị trường chưa hình thành xu hướng rõ nét.

Với biên độ hẹp đó, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đề xuất chiến lược swingtrade - tức mua trong các phiên giảm mạnh, thậm chí là các phiên xuyên thủng hỗ trợ đáy tháng 2 và bán trong các phiên hưng phấn với thanh khoản không cải thiện.

Chứng khoán vẫn dao động trong biên độ hẹp

Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến khó lường với xu hướng đi ngang, chuyên gia khuyến nghị thận trọng trong các giao dịch ngắn hạn.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm