Lần cuối cùng Arsenal vô địch Premier League là mùa 2003/04. Họ ký hợp đồng với thủ môn người Đức Jens Lehmann trong thời gian nay. Bây giờ, anh ta 46 tuổi trong khi cậu con trai lên 4 xuất hiện trong đêm đăng quang năm ấy đã 16 và tham gia vào bộ phim “Die Wilden Kerle 6 - Cuộc sống huyền thoại” mới phát hành tháng trước.
Quá nhiều thay đổi diễn ra trong ngần ấy năm, chỉ Arsenal là không. Mùa này qua mùa khác vẫn là hình ảnh cũ kỹ, trì trệ, bảo thủ và thất bại.
Những kẻ khát tiền
“Khi chúng tôi giành chiến thắng, đó sẽ là nỗ lực của bản thân, dựa trên năng lực và chiến lược xoay quanh một thương hiệu toàn cầu. Chúng tôi không chiến thắng nhờ vào một ông chủ giàu có với cái túi không đáy”, Giám đốc thương mại Arsenal, Tom Fox nói. Đây là đặc tính của đội bóng Bắc London. Họ sở hữu một mô hình kinh tế mạnh mẽ và thường xuyên đem lại lợi nhuận cho các cổ đông.
Wenger tự hào về mặt kinh doanh, dù thất bại trên sân cỏ |
Trong nhiều năm, Arsenal thu lời từ hoạt động thương mại, tài trợ, bán căn hộ ở Highbury, giá vé ở Emirates (doanh thu cao nhất châu Âu) và bán cầu thủ. Đồng thời, họ cũng khống chế khung lương và số tiền dành cho chuyển nhượng. Theo báo cáo tài chính năm ngoái, Pháo thủ thu về 329,3 triệu bảng, đứng thứ 3 nước Anh về kiếm tiền.
Với phương châm này, thật may khi Arsenal có được Wenger, một cử nhân kinh tế của Đại học Strasbourg. Vào những năm thắt lưng buộc bụng vì gánh nặng xây sân Emirates, HLV người Pháp vẫn xoay sở với nguồn ngân sách eo hẹp, thậm chí là trống rỗng.
“Trong một thương vụ, nếu xuất hiện MU, Milan hay Real Madrid, tôi sẽ nói cảm ơn và lặng lẽ rút lui. Chỉ cần mua sai một, hai vụ, đội bóng sẽ đi tong”, Wenger cho biết, “Tôi đã mong một ngày nào đó có thể cạnh tranh với họ, xẵng giọng nói: Vậy giá là bao nhiêu?”.
Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền, sau khi sân vận động mới mang đến nguồn thu khổng lồ và GĐĐH Ivan Gazidis tuyên bố dành ra khoản ngân sách lớn cho chuyển nhượng, vị Giáo sư đáng kính vẫn không hào hứng tham gia thị trường.
Giáo sư không thích phiêu lưu với các thương vụ lớn. |
Ở Bắc London có một câu chuyện như thế này. Trong một bữa tối cùng với Chủ tịch và Giám đốc CLB, khi được hỏi sẽ làm gì nếu có 100 triệu bảng, Wenger đáp: Tôi trả lại. Ông thích phát triển một đội ngũ dựa trên các tài năng trẻ tự tay chăm bón và không thích phiêu lưu với các bản hợp đồng bom tấn.
Mesut Oezil và Alexis Sanchez là ngoại lệ hy hữu. Nhưng ngay sau đó, ông lập tức trở lại phương châm cũ. Mùa này, Arsenal chỉ thực hiện 2 bản hợp đồng ở 2 kỳ chuyển nhượng, tổng trị giá là 17,4 triệu bảng.
Nhưng cũng khát danh hiệu
Phải chăng họ hài lòng với lượng lớn tiền mặt đổ về mỗi năm và không cần danh hiệu? Là một đội bóng, thật khó chấp nhận cho việc trắng tay kéo dài cả thập kỷ và tự nhủ, chúng tôi là một đơn vị kinh tế làm ăn có lãi.
Trong các tuyên bố từ Ban lãnh đạo, danh hiệu là chủ đề mà họ thực sự quan tâm. Trả lời phỏng vấn Fox Sports vào năm ngoái, Gazidis nói rằng Arsenal sẽ vô địch Premier League trong các năm tới. Ông cũng thể hiện sự bực bội khi đội bóng xếp sau Chelsea trong cuộc đua mùa trước, đồng thời từng cảnh báo “Wenger sẽ vùi mình trong áp lực nếu không gặt hái được gì đó”.
Bản thân HLV người Pháp cũng luôn đặt ra tham vọng cao. Vào những lần gia hạn hợp đồng, ông thường đưa ra cam kết giúp Arsenal đi đến vinh quang và sẵn sàng chịu trách nhiệm trong việc giành danh hiệu. Cách đây ít lâu, Wenger còn nêu mục tiêu gom danh hiệu để vươn đến đẳng cấp của Bayern hay Barcelona.
Arsenal luôn nghĩ về danh hiệu, nhưng không đủ tốt để giành được. |
Rõ ràng, giống như các đội bóng hàng đầu khác, Arsenal vẫn khao khát chiến thắng ở các giải đấu, được nâng Cúp và tận hưởng hương vị nhà vô địch. Khi không thể thực hiện điều đó, họ có xu hướng dùng bản báo cáo tài chính để biện minh cho thất bại, giống như những năm trước Wenger thường mang triết lý bóng đá đẹp để bao che cho kết quả yếu kém.
Cần lưu ý, Bayern, MU (nhất là thời Sir Alex) và thậm chí cả Chelsea, Man City trong vài mùa gần đây đều có doanh thu ấn tượng và có lãi như Arsenal. Chỉ khác là họ vẫn giành danh hiệu.