Lãi suất huy động tăng cao những tháng đầu năm khiến số dư tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2 đã đạt hơn 6,18 triệu tỷ đồng, tăng hơn 314.000 tỷ đồng (+5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương.
Tiền gửi từ dân cư tăng mạnh trong bối cảnh những tháng đầu năm nay ghi nhận lãi suất huy động của các ngân hàng tăng liên tục. Cụ thể, trong giai đoạn cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao lên tới 9-10%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó có ngân hàng nâng mức lãi suất cao nhất lên tới gần 12%/năm.
Lãi suất ở mức cao khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy vào kênh tiết kiệm của ngân hàng. Nhiều khách hàng có xu hướng bỏ tiền nhàn rỗi vào các tài khoản gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng để thu lãi nhiều nhất. Điều này cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền vào các kênh đầu tư khác sụt giảm như chứng khoán, bất động sản.
Tính đến cuối tháng 2, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại hệ thống ngân hàng đã chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Nguồn: NHNN. |
Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn này lại ghi nhận tiền gửi đến từ nhóm khách hàng tổ chức kinh tế tại các nhà băng sụt giảm. Trong đó, số dư tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã giảm hơn 338.000 tỷ đồng (-5,68%) trong 2 tháng đầu năm nay.
Theo các chuyên gia phân tích, một trong những nguyên nhân chính khiến dòng tiền gửi của nhóm doanh nghiệp sụt giảm trong 2 tháng đầu năm do đây trùng thời điểm Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp có xu hướng chi trả lương, thưởng cho người lao động nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh cũng khiến dòng tiền gửi của nhóm khách hàng này tại hệ thống ngân hàng giảm đi.
Với số liệu từ hai nhóm khách hàng kể trên, NHNN hiện ghi nhận tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 2 đạt gần 11,8 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương đương mức giảm 0,32%.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.