Lãi suất huy động có diễn biến tăng tại một số ngân hàng sau thời gian dài giảm liên tục trước đó. Ảnh: Nam Khánh. |
Ngày 27/4, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) công bố biểu lãi suất huy động mới. Nhà băng này đã có động thái tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn dưới hình thức gửi online.
Cụ thể, tại gói tiết kiệm An Phú kỳ hạn 6 tháng hình thức gửi tiền trực tuyến, lãi suất từ 7,9%/năm đã được nâng lên 8,4%/năm, tức tăng 0,5 điểm %.
Mức tăng này cũng được NCB áp dụng tại các kỳ hạn khác như 12 tháng và 36 tháng và cũng tại gói gửi tiết kiệm này, lần lượt từ 7,95%/năm lên 8,45%/năm và 7,7%/năm lên 8,2%/năm.
Hiện người gửi tiền vào NCB sẽ được nhận lãi suất cao nhất ở kỳ hạn tiền gửi 15-30 tháng. Mức lãi suất nhà băng này chấp nhận trả cho người gửi là 8,55%/năm.
Sau đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động này, NCB đang kéo lãi suất tiền gửi của khách hàng về vùng tương đương hồi đầu tháng 4, cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước chưa giảm lãi suất điều hành.
Biểu lãi suất mới được NCB áp dụng cho gói tiết kiệm An Phú từ ngày 27/4. Ảnh: NCB. |
Trước NCB, ngày 24/4 cũng có một số nhà băng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động. Kể đến như VietBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng từ 8,4%/năm lên 8,8%/năm, tương đương mức tăng 0,4 điểm %.
Ngân hàng VIB cũng tăng nhẹ lãi suất thêm 0,1 điểm % tại các kỳ hạn 6-11 tháng để niêm yết ở mức 7,9%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên tăng 0,1 điểm % lên 8,1%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho các khoản tiền gửi dưới 3 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà băng vẫn có động thái tiếp tục giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 0,2-0,4 điểm %.
Cụ thể, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) có động thái giảm nhẹ lãi suất huy động. Mức giảm chỉ diễn ra ở kỳ hạn 18 tháng đối với tiết kiệm online. Từ 27/4, lãi suất tiết kiệm online tại ngân hàng này là 8,4%/năm, giảm 0,1 điểm % so với ngày hôm qua.
Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn còn lại được Kienlongbank giữ nguyên. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng là 5,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng 8,3%/năm, kỳ hạn 9-13 tháng là 8,5%/năm. Kỳ hạn 15 tháng là 8,4%/năm, các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên có lãi suất 8,3%/năm.
Ngân hàng Bảo Việt cũng hạ lãi suất huy động, cao nhất tới 0,5 điểm %. Lãi suất huy động online kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này giảm từ 8,3%/năm xuống 7,8%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9-11 tháng giảm từ 8,4%/năm xuống 8%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 15 tháng được Ngân hàng Bảo Việt điều chỉnh giảm 0,3 điểm % xuống 8,3%/năm. Kỳ hạn 18 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 8,3%/năm.
Như vậy, từ một ngân hàng thuộc nhóm dẫn đầu thị trường về lãi suất huy động cao hồi đầu năm, sau nhiều lần điều chỉnh, lãi suất huy động tại Bảo Việt hiện ở mức trung bình so với mặt bằng chung.
SCB cũng vừa giảm 0,2-0,4%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 6-12 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng tại SCB giảm 0,4 điểm %, còn 7,8%/năm. Kỳ hạn 7-8 tháng còn 7,65%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 7,85%.
Tương tự, TPBank cũng bắt đầu giảm lãi suất sau nhiều ngày không có động thái. Lãi suất tại ngân hàng này thay đổi ở kỳ hạn 12 tháng với mức giảm nhẹ từ 8,1%/năm xuống 8%/năm. Các kỳ hạn dài từ 18 tháng trở lên cũng được TPBank giảm từ 8%/năm xuống mức 7,8%/năm.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn đang tiếp tục đi xuống trong thời gian gần đây. Ở kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất 9%/năm như hồi đầu tháng 4 vắng bóng. Sang tới kỳ hạn dài hơn, 1 số ngân hàng chấp nhận trả ở mức 9,1-9,2%/năm như ABBank, OCB, HDBank.
Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, với mức cao nhất dành cho hình thức gửi tiền tại quầy là 7,2%/năm. Còn theo hình thức gửi tiền trực tuyến, lãi suất áp dụng thường cao hơn so với tại quầy 0,1-0,2 điểm %.
Diễn biến này tới từ việc Ngân hàng Nhà nước đang có những biện pháp áp dụng để hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.