Phong độ của tiền đạo Hà Đức Chinh là lý do huấn luyện viên Park không dưới một lần phải “nhắc khéo” ông Lê Huỳnh Đức. Hồi tháng 3/2019, ông Park cho rằng phong độ không tốt của Đức Chinh và các tiền đạo Việt Nam là kết quả của xu thế sử dụng quá nhiều tiền đạo "Tây" trên hàng công của các CLB. Ở Đà Nẵng mùa này, Đức Chinh không một mình lĩnh xướng hàng công mà phải san sẻ vai trò ghi bàn với Ismahil Akinade và Grace Tanda. Ảnh: Quang Thịnh. |
Khi Nguyễn Công Phượng còn thi đấu ở HAGL, anh cũng không có nhiều cơ hội đá trung phong cắm mà phải san sẻ cơ hội trên hàng công cho Văn Toàn, Rimario. Về đầu quân cho TP.HCM mùa giải 2020, Phượng cũng không một mình đảm đương trọng trách ghi bàn mà phải đá cặp cùng Amido Balde (số 99) với vai trò hộ công. Ảnh: Quang Thịnh. |
Từ mùa giải 2019, HLV Lee Tae-hoon của HAGL có xu hướng sử dụng Nguyễn Văn Toàn với vai trò tiền đạo nhiều hơn tiền vệ cánh. Anh thường được bố trí đá cặp cùng Chevaugh Walsh. Khi ngoại binh này gặp chấn thương và nghỉ đến hết mùa 2019, Văn Toàn nhanh chóng có “đối tác” mới là Felipe Martins chứ không một mình lĩnh xướng hàng công. Đầu mùa này, Walsh trở lại tái hợp cùng Văn Toàn trên hàng công HAGL. Ảnh: Minh Chiến. |
Trong số tiền đạo được triệu tập lên tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo, Nguyễn Việt Phong là trường hợp kỳ lạ nhất. Anh không phải trung phong được sử dụng thường xuyên ở Viettel, cũng không nhiều lần thi đấu cho các đội tuyển quốc gia trước đây. Ở Viettel mùa này, Việt Phong tiếp tục sắm vai dự bị cho Bruno Cunha cho vị trí trung phong cắm. Anh đã ghi 2 bàn sau 2 lần vào sân từ ghế dự bị. Ảnh: Thế Anh. |
Thành công của CLB Hà Nội trong những mùa giải gần đây có đóng góp không nhỏ từ các chân sút ngoại, và cái giá phải trả là sự thiếu hụt đất diễn của các tiền đạo nội. Nguyễn Văn Quyết - tiền đạo cắm của tuyển Việt Nam thời kỳ trước - giờ phải sống chung với “Tây” trong màu áo CLB Hà Nội. Không đá ở vị trí cao nhất, anh vẫn “sống tốt” khi phải dạt cánh hoặc lùi sâu như một tiền vệ. Khi Oseni ra đi, Hà Nội lập tức đẩy Pape Omar lên đá cắm đồng thời chiêu mộ thêm Rimario. Cũng giống Văn Quyết, một tiền đạo tuyển Việt Nam khác ở CLB Hà Nội là Ngân Văn Đại cũng sẽ còn phải “cộng sinh” với Tây trong thời gian dài. Ảnh: Minh Chiến. |
CLB Quảng Ninh hay Hải Phòng là những ví dụ tiêu biểu trong bức tranh toàn cảnh ở V.League về chính sách sử dụng toàn tiền đạo “Tây” trên hàng công. Việc đặt trọng trách ghi bàn lên những trung phong ngoại ở những mùa giải vừa qua khiến đất diễn của các tiền đạo nội bị thu hẹp ở các CLB này. Điển hình như trường hợp của Mạc Hồng Quân, cầu thủ Việt kiều từng được đào tạo bài bản ở CH Czech với bộ kỹ năng của cả tiền vệ công lẫn tiền đạo lại đang làm rất tốt dưới vai trò tổ chức ở đội bóng đất mỏ. Ảnh: Lê Ngọc. |
Sau khi Nguyễn Anh Đức giải nghệ, Nguyễn Tiến Linh là trung phong cắm tốt nhất ở tuyển Việt Nam mà ông Park đang có trong tay. Ở CLB Bình Dương, Linh từng phải đá dạt cánh do không cạnh tranh được với “Tây” trên hàng tiền đạo. Mùa này, anh đá cùng Gustavo trên hàng công và chưa ghi được bàn thắng nào. Những trung phong trẻ khác của Bình Dương từng được ông Park gọi lên U23 Việt Nam là Nguyễn Trần Việt Cường và Ngô Hồng Phước cũng chưa có nhiều cơ hội thi đấu. Ảnh: Lê Minh. |
Phan Văn Đức (ngoài cùng bên trái) cũng đang phải “cộng sinh” với tiền đạo ngoại ở CLB SLNA. Trong 2 trận đầu tiên mùa này, HLV Ngô Quang Trường sử dụng 2 “Tây” trên hàng công là Alagie Sosseh và Peter Samuel. Phan Văn Đức khi được trao cơ hội cũng chỉ thi đấu với vai trò tiền đạo dạt cánh. Ảnh: Việt Hùng. |