Danh sách đề cử Quả bóng vàng với 25 cái tên được công bố hồi tháng 12/2019 có 5 cầu thủ HAGL, gồm Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Minh Vương, Nguyễn Phong Hồng Duy và Nguyễn Văn Toàn. Tuy nhiên, ở danh sách rút gọn 5 cái tên cuối cùng, họ đều vắng mặt.
Không có cầu thủ HAGL nào góp mặt, trong khi CLB Hà Nội có tới 4 cái tên. Hạng mục Cầu thủ trẻ của năm, bất ngờ hơn, cũng không có cái tên nào đến từ phố núi. Dẫu biết những cuộc bình chọn danh hiệu cá nhân luôn tồn tại nhiều tranh cãi, sự vắng mặt hàng loạt của những người con HAGL vẫn là nỗi buồn cho bầu Đức.
Từ năm 2016 tới nay, Xuân Trường là cầu thủ HAGL duy nhất từng đoạt Quả bóng bạc, nhưng anh giành giải thưởng khi chơi bóng tại K.League. Ảnh: Minh Chiến. |
Số 0 của bầu Đức
2019 là năm các vị trí được bầu chọn từ cao xuống thấp ở hạng mục này được đánh giá là rất thuyết phục. Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Trọng Hoàng xứng đáng với 3 vị trí bóng vàng, bóng bạc, bóng đồng. 4 trong 5 cầu thủ CLB Hà Nội xuất hiện trong nhóm tranh chấp Quả bóng Vàng một cách hoàn toàn xứng đáng.
Chiều ngược lại, sự vắng mặt của các cầu thủ HAGL không khiến ai bất ngờ. Nhìn vào 5 cầu thủ trong danh sách 25 đề cử, khó hình dung cái tên nào của HAGL đủ sức bước tới vòng đua cuối.
Nhìn rộng ra, 3 danh hiệu Quả bóng vàng, bạc, đồng trong 5 năm qua (tổng cộng 15 danh hiệu) cũng chỉ một lần ghi nhận cầu thủ của bầu Đức là Lương Xuân Trường (Quả bóng Bạc 2016). Tuy nhiên, đó lại là năm Xuân Trường đá ở... Incheon United. Thành tích của Trường “híp” có được nhờ màn trình diễn nổi bật ở AFF Cup 2016. Trở về HAGL, Xuân Trường tiếp tục vắng mặt ở cuộc đua.
Ba năm qua, trong khi HAGL vắng mặt, Bình Dương, CLB Hà Nội, Quảng Nam, SLNA hay Viettel đều có người trong top 3 bóng vàng.
Có hai nguyên nhân khiến cầu thủ HAGL thất thế ở Quả bóng vàng. Thứ nhất, thành tích cấp CLB của họ quá hạn chế. 5 năm qua, HAGL chỉ quanh quẩn trong cuộc đua trụ hạng, lần lượt xếp thứ 13, 12, 10, 10, 8 ở 5 mùa V.League gần nhất.
Công Phượng, Văn Toàn đều không chắc suất và đóng góp cho tuyển Việt Nam rất hạn chế trong năm 2019. Ảnh: Minh Chiến. |
Thứ hai, đóng góp của họ cho các đội tuyển ngày càng ít. Từ năm 2016 tới nay, không một cầu thủ HAGL nào có giữ được sự ổn định xuyên suốt ở tuyển quốc gia. Đợt tập trung gần nhất, chỉ 2 cầu thủ Gia Lai là Tuấn Anh, Văn Toàn có suất đá chính. Chiều ngược lại, Trọng Hoàng ghi điểm nhờ phong độ đỉnh cao tại Asian Cup, King’s Cup, vòng loại World Cup, SEA Games dù anh chỉ đá nửa mùa cho Viettel.
Văn Thanh, Hồng Duy gần như không có “cửa” cạnh tranh, Xuân Trường trước khi chấn thương đã không còn chỗ đứng, Minh Vương không được gọi trong thời gian gần đây. Sau Asian Cup 2019 ấn tượng với 2 bàn ở vị trí trung phong, Công Phượng có chuyến xuất ngoại thất bại ở Incheon United, sau đó là Sint-Truidense. Anh chỉ đá chính thêm 1 lần trước Malaysia, trước khi mất suất vào tay Nguyễn Tiến Linh.
Văn Toàn và Tuấn Anh là hai cái tên còn giữ được suất, nhưng Văn Toàn chỉ đá tròn vai, không có bàn thắng hay kiến tạo nào, luôn bị nghi ngờ về khả năng dứt điểm. Khi Phan Văn Đức trở lại, vị trí của Văn Toàn sẽ lung lay. Tuấn Anh đá tốt, song mới trở lại sau chấn thương và cần thời gian để chỗ đứng.
Như vậy, ngay cả việc được ra sân đã rất khó với dàn sao của HAGL. Đóng góp của đội bóng phố núi trên tuyển cứ giảm dần theo thời gian, khiến mong muốn tạo ảnh hưởng lên bóng đá Việt của bầu Đức ngày càng trở nên xa vời.
Việt Hưng và Thanh Sơn không phải những cầu thủ ưa thích của HLV Park Hang-seo. Việt Hưng bị loại từ bán kết SEA Games và không được ra sân phút nào ở giải U23 châu Á. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tương lai nào cho HAGL?
Ở tuổi đẹp nhất của sự nghiệp, những Công Phượng, Xuân Trường vẫn loay hoay, chưa có được thành tựu đáng kể tại cấp CLB. Nhưng đáng lo hơn, lứa kế cận của bầu Đức còn không bằng thế hệ đàn anh. HAGL có thể đi con đường riêng, không tham gia và không coi trọng giải trẻ, nhưng đóng góp của các cầu thủ trẻ cho cấp độ U19, U23 - vốn là niềm tự hào của bầu Đức, ngày càng trở nên mờ nhạt.
Nếu năm 2013, hầu hết thành phần U19 Việt Nam dự giải Đông Nam Á là quân HAGL, thì U19 Việt Nam của năm 2019 chỉ có 2 người là Nguyễn Nhĩ Khang và Nguyễn Thanh Khôi. U23 Việt Nam của HLV Toshiya Miura dự SEA Games với 5 cầu thủ HAGL, chiếm 22% danh sách, nhiều nhất trong số các đội V.League, thì U22 Việt Nam của HLV Park Hang-seo giành huy chương vàng SEA Games chỉ còn 2 cầu thủ HAGL là Trần Thanh Sơn và Triệu Việt Hưng. Không ai có suất đá chính và đóng góp đáng kể vào hành trình vô địch.
Từ năm 2016 tới 2018, Xuân Trường và Công Phượng (2 lần) liên tiếp giúp HAGL thắng giải Cầu thủ được yêu thích nhất tại Gala Quả bóng vàng. Năm 2019, danh hiệu đó không còn trong hạng mục trao giải.
Khi thành tích CLB và đóng góp của cầu thủ cho đội tuyển đều chưa khởi sắc, sự vắng mặt của dàn sao nhà bầu Đức trong các cuộc bầu chọn là hợp lý, và có thể xem như cảnh báo dành cho những người làm bóng đá ở phố núi.
Đời cầu thủ, có ai dám nói chỉ cần được mến mộ là đủ? Có ai dám nói không cần danh hiệu, không muốn một lần đứng trên bục nhận Quả bóng vàng, hay có vị thế vững chắc ở tuyển Việt Nam, điều mà nếu cứ tiếp tục như hiện tại, các cầu thủ HAGL rất khó chinh phục.
HAGL đã có sự thay đổi mùa này. Việc giữ lại HLV Lee Tae-hoon, đầu tư ngoại binh cho hàng phòng ngự hay điều chỉnh triết lý chơi bóng cho thấy HAGL không cam chịu vị trí “lên không được, xuống cũng chẳng xong” như SLNA, Hải Phòng hay SHB Đà Nẵng. Nhưng khi bầu Đức hào phóng cho CLB TP.HCM mượn Công Phượng, Lê Đức Lương, Lê Văn Sơn, để 9 cái tên sang CAND, tham vọng của đội chủ sân Pleiku bị đặt dấu hỏi.
Đêm Quả bóng vàng năm tới, ai đại diện nổi cho HAGL đứng trên bục vinh quang?