Đội tuyển Việt Nam trải qua chung kết lượt đi AFF Cup hòa tiếc nuối với tỷ số 2-2 trước Malaysia. Đó là trận đấu mà lẽ ra thầy trò HLV Park Hang-seo có thể kết liễu đối thủ ngay trong hiệp 1 nếu các chân sút sắc bén hơn trong khâu dứt điểm.
Sau trận đấu, cái tên bị chỉ trích là Hà Đức Chinh. Tiền đạo của CLB Đà Nẵng bỏ lỡ 3 cơ hội ngon ăn, trong đó có pha đối mặt với thủ môn Malaysia. Và nếu cầu thủ này chính xác hơn trong trận chung kết lượt đi AFF Cup, Malaysia đã khó có thể gượng dậy sau những đòn giáng liên tiếp như vậy.
Chinh "đen" không may mắn trước khung thành Malaysia, nhưng xét về tổng thể, liệu mấy ai hiểu được tầm quan trọng và dụng ý chiến thuật của HLV Park Hang-seo khi sử dụng cầu thủ này?
Đức Chinh phung phí nhiều cơ hội ngon ăn ở chung kết lượt đi. Ảnh: Thuận Thắng. |
Vai trò của "tiền đạo phòng ngự"
Thông thường, một tiền đạo vô duyên trước khung thành đối phương sẽ bị châm chọc với những biệt danh đầy mỉa mai như "chân gỗ", "tù trưởng" hay "tiền đạo phòng ngự".
Thế nhưng, với sự thay đổi không ngừng của bóng đá hiện đại, "tiền đạo phòng ngự" không còn đơn thuần là cách nói phiếm chỉ, khái niệm dùng để mỉa mai, trêu chọc. Giờ đây, nó được đưa vào sân cỏ, sách giáo khoa bóng đá và thậm chí trở thành đỉnh cao chiến thuật của những huấn luyện viên hàng đầu.
Muốn tìm hiểu xem một tiền đạo phòng ngự cần làm những gì, hãy nhớ đến Mario Mandzukic và Jamie Vardy, hai trong số những tiền đạo phòng ngự hàng đầu của bóng đá thế giới lúc này.
Jamie Vardy là một tiền đạo phòng ngự điển hình của bóng đá thế giới. Ảnh: Getty Images. |
Bóng đá hiện đại yêu cầu các cầu thủ phải di chuyển liên tục và các tiền đạo cũng là lớp phòng ngự đầu tiên của đội bóng. Trong một thế giới như vậy, không khó hiểu khi khái niệm "tiền đạo phòng ngự" được khai sinh.
Tiền đạo phòng ngự (Defensive Forward) là những cầu thủ giàu năng lượng, di chuyển liên tục phá sức đối phương và luôn sẵn sàng gây áp lực lên hàng phòng ngự, áp sát và đoạt bóng trong chân hậu vệ càng sớm càng tốt. Còn khi tấn công, những cầu thủ này thường chơi bóng đơn giản nhất có thể.
Leicester City lên ngôi tại Ngoại hạng Anh với Jamie Vardy trong đội hình, Juventus thống trị Serie A khi sở hữu Mario Mandzukic trong tay. Và tại World Cup 2018, tuyển Croatia trở thành á quân khi họ Mandzukic trong đội hình.
Mỗi đội bóng mạnh, nhà vô địch của bóng đá hiện đại đều cần những tiền đạo biết phòng ngự, và tuyển Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Để tiến tới chung kết AFF Cup 2018 và tiến xa tại các giải đấu tiếp theo, chúng ta cần một tiền đạo phòng ngự đúng nghĩa trong đội hình.
Cái tên đó, không ai khác chính là Hà Đức Chinh.
Đức Chinh là cầu thủ chiến lược trong sơ đồ chiến thuật của HLV Park Hang-seo. Ảnh: Thuận Thắng. |
Không ghi bàn, không thành vấn đề
90 phút đầy khó khăn trên sân Bukit Jalil một lần nữa chứng minh rằng dù không ghi bàn, Đức Chinh vẫn là cái tên mà hàng công đội tuyển Việt Nam cần có.
Người ta gọi Chinh là Chinh "gỗ", thậm chí chi trích anh khi không thể định đoạt tỷ số cho tuyển Việt Nam ở tình huống đối mặt. Thế nhưng, hãy đặt ngược lại vấn đề. Rằng Hà Đức Chinh phải nỗ lực thế nào để tạo ra những tình huống nguy hiểm đó?
Đức Chinh thi đấu nỗ lực trước Malaysia. Ảnh: Thuận Thắng |
Trước đối thủ dồi dào năng lượng và giàu sức chiến đấu như Malaysia, không chỉ buộc phải hy sinh Xuân Trường để tăng cường chất thép cho hàng tiền vệ, HLV Park Hang-seo cũng phải tìm cách kéo đội hình đối phương xuống thấp nhất có thể nhằm giảm tải áp lực về phần sân đội nhà.
Thay vì lão tướng Anh Đức, HLV Park Hang-seo quyết định sử dụng Đức Chinh. Và cầu thủ này đã hoàn thành nhiệm vụ được ông thầy người Hàn Quốc giao phó.
Gần 1 giờ đồng hồ góp mặt trên sân chứng kiến màn trình diễn giàu năng lượng của Hà Đức Chinh. Anh hoạt động không ngừng nghỉ, chịu khó vây ráp và sẵn sàng lao vào những tình huống tranh chấp tay đôi nhằm giành lại bóng cho đội nhà. Chỉ tính riêng trong hiệp 1, không dưới hai lần các hậu vệ Malaysia phải "bở hơi tai" mới có thể chiến thắng tiền đạo của tuyển Việt Nam.
Sức trẻ, sự máu chiến của Hà Đức Chinh không chỉ phá sức hậu vệ đối phương, mà còn buộc họ lùi sâu và để mắt tới tiền đạo này nhiều hơn, qua đó tạo điều kiện cho các đồng đội phía sau băng lên dứt điểm, mà bàn thắng mở tỷ số của Huy Hùng chính là ví dụ điển hình.
Thế mới thấy, tuyển Việt Nam vẫn cần Hà Đức Chinh dù anh không ghi được bàn.
Sự nhiệt huyết, máu lửa của Hà Đức Chinh sẽ giúp ích rất nhiều cho bóng đá Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Thuận Thắng. |
Kết quả hòa 2-2 giúp tuyển Việt Nam nắm giữ lợi thế trong trận lượt về. Dù phải chơi trên sân khách, các cầu thủ Malaysia chắc chắn vẫn sẽ thi đấu quyết liệt để dồn ép đội nhà.
Khi đó, Đức Chinh sẽ là phương án chiến thuật của HLV Park Hang-seo. Và dù không ghi bàn, sức mạnh, sự càn lướt của cầu thủ này vẫn sẽ là tiền đề để đồng đội phía sau anh như Quang Hải, Văn Đức, Đức Huy hay Huy Hùng thoải mái bắn phá khung thành Malaysia.
Trước mắt anh cùng các đồng đội là 90 phút trên sân Mỹ Đình, cơ hội lịch sử để mang về chiếc cúp thứ hai cho bóng đá nước nhà. Hãy cứ quyết tâm đi, hãy cứ cháy hết mình, bởi phía sau tuyển Việt Nam có triệu triệu con tim luôn dõi theo và ủng hộ những chàng trai áo đỏ.
Ở tuổi 21, tương lai vẫn còn rộng mở, có nhiều điều cần cải thiện với Hà Đức Chinh. Và dù người ta có nói thế nào đi chăng nữa, Hà Đức Chinh vẫn sẽ là một trong những cầu thủ thuộc dạng "quy hoạch" của bóng đá Việt Nam trong tương lai.