Khen có, chê cũng có nhưng rất hiếm hoi có những ý kiến trung dung, có cả khen lẫn chê trúng chỗ. Rất may là Hà Đức Chinh thuộc dạng “lì đòn” trước dư luận nên chúng ta có thể tin học trò cưng của HLV Trần Minh Chiến sẽ “lướt sóng” tốt để tập trung hoàn toàn cho trận lượt về.
Cũng sau trận đấu ấy vài tiếng, ở châu Âu, Liverpool thắng Napoli 1-0 giành vé vào vòng knock-out Champions League và đẩy đội bóng Italy của HLV Carlo Ancelotti xuống Europa League.
Trong trận thắng 1-0 đó của Liverpool, Sadio Mane lẽ ra phải ghi một hat-trick nhưng cuối cùng cái tên trên bảng tỷ số thuộc về Mohamed Salah. Trong một trận đấu mà Liverpool có hàng chục đợt tấn công nguy hiểm và Mane bỏ lỡ nhiều như thế, anh ta rất đáng phải nhận chỉ trích.
Song, không mấy ai chỉ trích Sadio Mane cả. Đơn giản, vì Liverpool đã thắng và đoạt vé. Giả sử Liverpool hòa hoặc thua, khả năng cộng đồng mạng chém Mane tơi bời là chuyện dĩ nhiên.
Nhắc chuyện trời Tây để hiểu những chỉ trích của dư luận Việt Nam nhắm vào Hà Đức Chinh đều bị chi phối bởi cảm xúc trước kết quả. Nếu hôm qua Việt Nam không bị gỡ 2 bàn ở 2 tình huống cố định, chỉ trích hướng đến Hà Đức Chinh cũng sẽ nhạt nhòa bởi người hâm mộ khi đó sẽ bị nô dịch cho một thứ cảm xúc mạnh mẽ hơn.
Chinh "đen" làm "tiền đạo phòng ngự"
Quay trở lại với màn trình diễn của Hà Đức Chinh, chúng ta hãy đặt ra câu hỏi Chinh "đen" có chơi tốt không và Chinh "đen" còn thiếu điều gì để chơi tốt nhất. Trả lời mạch lạc câu hỏi này, chúng ta sẽ có cái nhìn khác về Hà Đức Chinh, chàng tiền đạo có khuôn mặt lúc nào cũng như đang nở nụ cười.
Hà Đức Chinh được đánh giá cao ở khả năng chạy chỗ và tốc độ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Phải thừa nhận ông Park Hang-Seo cực quái chiêu khi đưa Hà Đức Chinh vào đá chính thức thay vị trí của một Anh Đức đầy kinh nghiệm. Xác định rõ lối chơi kiểm soát bóng, xây dựng và phát triển bóng từ tuyến dưới của đồng nghiệp Tan Cheng Hoe, ông Park đưa Chinh vào với đúng một yêu cầu.
Đó là chơi như một tiền đạo phòng ngự (defensive forward) và chủ trương dùng sức mạnh càn lướt, độ dày cơ thể, tính năng động và tốc độ tuổi trẻ của Chinh tạo áp lực trực diện lên hàng thủ cũng như tiền vệ phòng ngự của đối phương.
Và Hà Đức Chinh đã thực hiện cực tốt ý đồ đó của Park Hang-seo. Tầm hoạt động của Hà Đức Chinh ở lượt đi chung kết là rất rộng, nhưng rất khoa học. Chinh thường hoạt động ở khu vực từ 40 m cách mặt thành Malaysia cho tới vạch 16,5 m.
Và anh đã cày ải rất tốt ở đó, tạo điều kiện cũng như cơ hội để không chỉ Văn Đức, Quang Hải có những khoảng trống mà còn giúp cho Huy Hùng hay Đức Huy có không gian băng lên hỗ trợ tấn công.
Nếu nhìn lại hai pha ghi bàn của tuyển Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ hệ thống phòng ngự của Malaysia bất ổn thế nào. Và nguyên nhân của bất ổn ấy đến phần lớn từ chính những di chuyển thông minh, xông xáo của Chinh “đen”.
Hà Đức Chinh có thêm kinh nghiệm rất quý sau trận đấu ở "chảo lửa" Bukit Jalil. Ảnh: Thuận Thắng. |
Rõ ràng, Malaysia cầm bóng nhưng không tạo được thế trận trước Việt Nam và việc họ phải trông chờ vào tình huống cố định để kiếm tìm cơ hội là minh chứng cụ thể nhất.
Giả sử, ở tuyến trên, Hà Đức Chinh không thực hiện tốt các yêu cầu chiến thuật mà HLV Park Hang-seo đề ra, Việt Nam có thể có được một tỷ số có lợi là 2-2 ở Bukit Jalil hay không?
Nhưng khen Chinh đen chơi tốt, thì ta cũng phải thừa nhận đó chưa phải là một Hà Đức Chinh tốt nhất. Bóng đá là một trò chơi cay nghiệt kinh khủng, khi mà mọi nỗ lực phấn đấu của cầu thủ có thể bị xóa nhòa bởi ấn tượng mang tính định kiến về một tình huống sơ suất nào đó.
Và các pha bỏ lỡ của Hà Đức Chinh đã mang lại cái định kiến đầy ấn tượng tiêu cực về anh, để mọi nỗ lực của anh gần như bị rất nhiều người xóa bỏ.
Nói đến những pha bỏ lỡ của Chinh ở Bukit Jalil thì phải nhắc lại cả pha bỏ lỡ mà Chinh đã làm ở lượt đi bán kết gặp Philippines. Ở tình huống đó, nếu Chinh dấn thêm một nhịp rồi hẵng dứt điểm, hoặc chuyền cho đồng đội ở tư thế thuận lợi hơn, chắc chắn đó sẽ là một quyết định sáng suốt hơn.
Song, pha bỏ lỡ tại Philippines may mắn được khuất lấp bởi chiến thắng nên Chinh không bị soi kinh hoàng như trận lượt đi chung kết vừa rồi.
Hãy nuôi dưỡng độ lạnh lùng
Tại sao Hà Đức Chinh lại bỏ lỡ những cơ hội đó? Có vẻ như đó là vấn đề của tâm lý chứ không phải vấn đề chuyên môn. Về chuyên môn, Hà Đức Chinh là một trong những trung phong hay nhất của thế hệ này.
Và việc anh chắc suất đội tuyển cùng Tiến Linh trong vài ba năm tới là chuyện tất nhiên. Còn về tâm lý, có lẽ Chinh “đen” dứt điểm hơn “đen” cũng bởi sự hưng phấn quá mức của anh, thứ hưng phấn tích cực muốn cống hiến cho tập thể.
Hà Đức Chinh cần rèn thêm kỹ năng dứt điểm. Ảnh: Thuận Thắng. |
Chính vì muốn phải đóng góp một chiến tích cụ thể (là bàn thắng) cho đội, Chinh đã quá nôn nóng, đánh mất đi cái lì lợm vốn có của mình. Nếu như các tình huốn kia không phải là ở tuyển quốc gia mà là tại CLB Đà Nẵng, chắc chắn Chinh “đen” sẽ giải quyết cách khác và có khả năng ăn bàn.
Song, trong một tập thể đang sống giữa không khí tích cực như tuyển quốc gia dưới thời Park Hang-seo, khát vọng đóng góp của tuổi trẻ đã khiến Chinh quá vội.
Lượt về ở Hà Nội, rất có thể Chinh "đen" sẽ lại được ra sân. Hà Nội không vội được đâu nên muốn nhanh, Chinh "đen" cứ phải từ từ. Hà Đức Chinh cần phải nuôi dưỡng độ lạnh của mình để từ cái lạnh lùng ấy, bản năng sát thủ sẽ được hun đúc và mài giũa bén nhọn hơn.
Lúc ấy, chắc chắn chúng ta sẽ được thấy một Hà Đức Chinh tốt nhất chứ không chỉ là một Chinh “đen” đã chơi tốt như trận lượt đi.
Còn chúng ta, những người hâm mộ, tốt nhất hãy bình tĩnh đừng vì quá tiếc nuối mà đổ lỗi cho một cá nhân nào đó ở đội tuyển. Nhìn thấy cái tốt của người khác cần chậm, chắc mà nhìn cả tổng thể.
Nói gì thì nói, chỉ nghe âm thanh mà hàng chục nghìn cổ động viên Malaysia tạo ra ở Bukit Jalil qua TV thôi, chúng ta sẽ hiểu bản lĩnh là gì. Và Chinh đen cũng như các đồng đội của mình đêm qua thực sự là những người bản lĩnh.