Bình luận
Ở một khía cạnh nào đó, trận chung kết Champions League chứng minh tiền bạc mua được thành công. Chelsea được tài trợ bởi nhà tài phiệt người Nga, đối đầu với CLB được cung cấp sức mạnh từ ông chủ Sheikh Mansour của tập đoàn Abu Dhabi.
Từ những đội bóng trung bình khá, 2 CLB này dần vươn lên trở thành thế lực của bóng đá Anh trong chưa đầy 20 năm.
Có tiền, có danh hiệu
13 trong 22 danh hiệu lớn nhất Man City giành được đến sau khi Sheikh Mansour tiếp quản đội bóng vào năm 2008. Tương tự, từ thời điểm Roman Abramovich mua lại CLB vào năm 2003 tới nay, Chelsea mang về phòng truyền thống 16 danh hiệu lớn nhỏ khác nhau.
Khoản đầu tư của Abramovich thậm chí đã mang về cho Chelsea vinh quang Champions League khi "The Blues" giành chiến thắng trước Bayern Munich vào năm 2012.
Bất chấp sức mạnh truyền thống của Manchester United, Liverpool và Arsenal, Man City và Chelsea đã thống trị bóng đá Anh trong thập kỷ qua.
Cả hai đã giành được 7 trong số 10 chức vô địch Premier League và bỏ xa phần còn lại về số danh hiệu giành được trong giai đoạn đó. Man City có 9 và Chelsea có 8, so với Man United (4), Arsenal (4) và Liverpool (2) lần lượt theo sau.
Man City và Chelsea chi tiêu mạnh mẽ và giành nhiều danh hiệu. Ảnh: Getty Images. |
Không nghi ngờ gì nữa, hai tỷ phú đã dùng sức mạnh tài chính để thu hút những cầu thủ xuất sắc thế giới đến Stamford Bridge và Etihad. Những đối thủ khác khó có thể sánh được với thành công của Chelsea và Man City.
Ở đó, họ đầu từ bằng cách tuyển dụng các nhà quản lý và huấn luyện viên giỏi nhất, cũng như xây dựng các cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới để các cầu thủ tập luyện, trau dồi kỹ năng. Đó là lý do tại sao Chelsea và Man City chuẩn bị gặp nhau ở Porto, tranh chức vô địch Champions League.
Những khoản chi cho thị trường chuyển nhượng sẽ luôn là yếu tố chính khi phân tích sự trỗi dậy của Man City và Chelsea. Hai câu lạc bộ đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt của họ chỉ đơn giản bằng việc đầu tư rất lớn vào cầu thủ.
Mùa hè năm ngoái, Chelsea vượt qua mốc 2 tỷ bảng kể từ khi Abramovich xuất hiện. Họ bỏ ra số tiền 225,5 triệu bảng để nâng cấp đội hình. Chelsea ký hợp đồng với Kai Havertz từ Bayer Leverkusen, lập kỷ lục chuyển nhượng mới của câu lạc bộ với giá 72 triệu bảng.
Trong khi đó, Man City cũng chi 1,7 tỷ bảng trong 13 năm kể từ khi Sheikh Mansour nắm quyền. Bản hợp đồng kỷ lục của Man City lúc bấy giờ là Robinho có giá 32,5 triệu bảng, được công bố ngay trong ngày Mansour hoàn tất việc tiếp quản đội bóng hồi tháng 9/2008. Đó giống như một tuyên bố đanh thép về điều sẽ đến tại Man City.
Theo tìm hiểu của ESPN, Man City đã bắt tay vào một "chiến lược mua sắm rầm rộ" có chủ đích trong những năm đầu thuộc quyền sở hữu của Sheikh Mansour. Mục tiêu không gì khác ngoài việc thu hẹp khoảng cách với Chelsea và Manchester United càng sớm, càng tốt.
Từ năm 2008 đến 2011, Man City đã chi 297,8 triệu bảng để phục vụ nhu cầu chuyển nhượng.
Họ sở hữu những tài năng trẻ xuất sắc. Ảnh: Getty Images. |
Không chỉ có thế
Nhưng Chelsea và Man City không chỉ biết "chạy đua vũ trang". Nhưng ông chủ của họ tỏ ra rất khôn ngoan khi đồng thời đầu tư rất nhiều cho hoạt động đào tạo trẻ.
Triều đại Abramovich chứng kiến 46 cầu thủ học viện chơi cho đội một kể từ năm 2003. Ngày 29/5 tới, Mason Mount, Andreas Christensen, Callum Hudson-Odoi, Tammy Abraham, Reece James và Billy Gilmour hoàn toàn có thể ra sân ở Champions League. Hậu vệ Nathan Ake của Man City là một sản phẩm khác của học viện Chelsea.
Chelsea đã vô địch FA Youth Cup 7 lần kể từ năm 2010 và 2 lần về nhì trong khoảng thời gian này. Đội U19 Chelsea cũng vô địch UEFA Youth League vào năm 2015 và 2016. Neil Bath, trưởng bộ phận phát triển học viện của Chelsea, đã gắn bó với câu lạc bộ từ năm 1993.
Ở Man City, họ phần nào sao chép công thức từ hệ thống trẻ của Chelsea và hiện chứng kiến thành quả đầu tư đáng nể. Phil Foden, 20 tuổi, người đã gia nhập CLB khi 4 tuổi, là một điển hình. Cậu bé này là phần thưởng cho quá trình phát triển đó và giờ là nhân vật quan trọng trong đội hình của Pep Guardiola mùa này.
Kể từ năm 2008, 44 cầu thủ tốt nghiệp học viện đã tiến lên đội một Man City và mặc dù chỉ giành được một FA Youth Cup trong 10 năm qua, họ đã vào chung kết 4 lần. 3 trong số đó là thất bại trước Chelsea. Mùa này, Man City cũng vô địch Premier League dành cho lứa U23 và U18.
Cả hai câu lạc bộ ký hợp đồng với những tài năng trẻ xuất sắc toàn cầu và sau đó để họ tới các câu lạc bộ "sân sau" hoặc đối tác dưới dạng cho mượn. Trong mùa giải 2020/21, Man City cho mượn 32 cầu thủ trẻ, trong khi 24 “măng non” của Chelsea được “xuất khẩu” đi khắp châu Âu (theo Transfer Markt).
Bất chấp kết quả trận chung kết Champions League, 2 đội bóng này có một tương lai đầy tươi sáng ở phía trước. Thắng hay thua, 90 phút sắp tới khó có thể thay đổi động lực phát triển, hướng tới thành công rực rỡ hơn ở Etihad và Stamford Bridge.
Với việc cả hai đều chắc chắn góp mặt tại Champions League mùa tới dưới sự dẫn dắt của những HLV xuất sắc, cùng với đó là sự hậu thuẫn từ những ông chủ cực kỳ giàu có, kỷ nguyên thống trị của Chelsea và Man City có thể sẽ tiếp tục kéo dài thêm nữa.