Đại tá Hải quân Scott Miller, đại diện của Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), cho biết các máy bay ném bom tầm xa Tu-95 đang bay trong vùng nhận dạng phòng không ở phía Bắc quần đảo Aleutian thì bị các tiêm kích Mỹ phát hiện và áp sát vào lúc 10h sáng địa phương thứ sáu.
“Các máy bay ném bom này không bay vào không phận của Bắc Mỹ”, ông nói. Ông Miller từ chối tiết lộ thông tin về khoảng cách giữa các chiếc Tu-95 và không phận Mỹ. Fox News đưa tin chúng chỉ cách bờ biển phía tây Alaska 55 dặm (khoảng 88 km).
“Buổi đụng độ vào thứ sáu là sự cố đầu tiên xảy ra trong hơn một năm qua”, ông Miller cho biết. Một sự kiện tương tự xảy ra ngoài khơi Alaska vào 4/2017 đã được các giới chức Mỹ mô tả là “thường lệ” giữa các máy bay đối địch ở nơi giáp ranh các đường biên.
Theo South China Morning Post, dù vùng nhận dạng phòng không kéo dài khoảng 200 dặm từ bờ biển Alaska và chủ yếu là vùng không phận quốc tế, các hoạt động quân sự của Nga thường xuyên dẫn đến các hành động đáp trả tương tự từ phía các tiêm kích Mỹ.
Theo tin của New York Times vào cuối năm ngoái, đã có khoảng 60 vụ ngăn chặn tại khu vực này trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2017.
Ông Miller nói những chiếc máy bay ném bom lâu đời này của Nga, được NATO nhận dạng là “Bear” (gấu), đã bay theo đúng các chuẩn tắc quốc tế. Tuy máy bay có khả năng mang theo bom hạt nhân nhưng không rõ chúng đã chở theo loại vũ khí gì, nếu có.
Một sĩ quan Nga đang chụp lại khoảnh khắc "gấu Nga" Tu-95 cất cánh. Ảnh: Reuters. |
Cũng trong thứ sáu, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra một tuyên bố khác với báo cáo của Mỹ. Họ cho biết các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 đã được hộ tống bởi các tiêm kích và một phi cơ phản lực trinh sát Mỹ, đồng thời hỗ trợ chống tàu ngầm.
Ông Miller phủ nhận thông tin này. “Đây chỉ là một vụ đánh chặn an toàn không bao gồm máy bay trinh sát và cũng không có sự hiện diện của phi cơ chiến đấu”, Washington Post dẫn lời ông Miller vào thứ bảy.
Không rõ hành động không quân này của Nga là cơ hội để diễn tập hay là động thái đáp trả các chiến dịch quân sự của Mỹ và NATO tại nơi khác.
Tuần trước, Nga đã điều động máy bay quân sự cất cánh 4 lần để đối phó với các chuyến bay trinh sát nước ngoài gần biên giới Nga, dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Nga Interfax.
Các phi vụ ngăn chặn trên không, chạm trán và hộ tống đang gia tăng trong những năm gần đây kể từ khi Nga chiếm đóng quân sự Crimea và một phần phía đông Ukraine vào đầu năm 2014.
Hồi đầu tháng, tiêm kích Sukhoi Su-27 của Nga đã bay cách máy bay do thám P-8 của Mỹ chỉ 6 m trên biển Baltic - khoảng cách rất nhỏ so với tốc độ di chuyển hàng trăm dặm mỗi giờ của máy bay. Quân đội Mỹ diễn tả hành động này là an toàn nhưng thiếu chuyên nghiệp.
Su-27 của Nga chặn F-16 của NATO trên biển Baltic ngày 6/6/2017. Ảnh: Sputnik. |
Tuy sự cố vào thứ sáu được coi là xảy ra tương đối thường lệ, các cuộc diễn tập ngày càng hiếu chiến đã khiến các giới chức quốc phòng và các nhà ngoại giao lo ngại về khả năng đâm nhau trên không hoặc những tính toán sai lầm dẫn đến hành động bắn hạ.
Một báo cáo của trung tâm phân tích Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu của Anh vào năm 2014 ghi nhận đã có gần 40 sự cố tương tự xảy ra.
“Các hành vi xâm phạm không quân quốc gia, cất cánh khẩn cấp, chạm trán cự ly gần trên biển, và những hành động nguy hiểm khác đang diễn ra thường xuyên trên khu vực địa lý rộng lớn đang vẽ nên bức tranh vô cùng đáng lo ngại”, bản báo cáo nhận định.
Tuy nhiên, báo cáo này chỉ được biên soạn theo số liệu năm 2014 và không đề cập đến các năm sau đó.