Các chiến đấu cơ Hàn Quốc đã bay tuần tra đảo tranh chấp với Nhật Bản, khi Tổng thống Moon Jae In giới thiệu tiêm kích tàng hình F-35 để đánh dấu Ngày lực lượng vũ trang, trong bối cảnh ông cố gắng xoa dịu những lo ngại, rằng chính sách của ông đối với Triều Tiên sẽ làm suy yếu năng lực quốc phòng của miền nam, Reuters cho biết.
Tổng thống Moon cho biết tiêm kích F-15K đã bay tuần tra trên đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp với Nhật Bản, hiện do Seoul kiểm soát. Việc tiêm kích Hàn Quốc tuần tra đảo Dokdo/Takeshima có nguy cơ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa 2 đồng minh của Mỹ.
“Chỉ một lúc trước, F-15K, máy bay chiến đấu mạnh nhất Đông Bắc Á đã trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra trên vùng đất Dokdo của chúng ta mà không gặp vấn đề gì”, Tổng thống Moon nói với quân đội trong bài phát biểu được Reuters đăng tải hôm 1/10.
Đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết 2 trong 4 tiêm kích F-15K được triển khai làm nhiệm vụ đã bay tuần tra quanh đảo Dokdo/Takeshima.
Nhật Bản lập tức phản đối mạnh mẽ việc bay tuần tra của chiến đấu cơ Hàn Quốc, quan chức Nhật Bản nói với Reuters. Quan chức Tokyo cho biết đảo Takeshima thuộc về Nhật Bản và theo luật pháp quốc tế, việc tuần tra là không thể chấp nhận và đáng trách.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Nhật Bản đã triệu tập tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Tokyo để bày tỏ sự không hài lòng với hoạt động tuần tra của Hàn Quốc.
Hôm 27/9, các quan chức Hàn Quốc đã phản đối đánh giá quốc phòng hàng năm của Nhật Bản đề cập đến việc sở hữu Dokdo/Takeshima. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul để bày tỏ sự phản đối và yêu cầu Tokyo rút lại bản báo cáo.
Hàn Quốc và Nhật Bản đang bị cuốn vào cuộc đối đầu ngoại giao và thương mại, liên quan đến việc bồi thường cho lao động Hàn Quốc bị ép buộc làm việc cho Nhật Bản trong Thế chiến II.
Sau khi Nhật Bản siết chặt xuất khẩu vật liệu công nghệ cao cho Hàn Quốc vào tháng 7, Seoul đáp trả bằng việc chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng chỉ khi Nhật Bản dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, Seoul mới xem xét gia hạn hiệp ước.