Nhà văn khoa học Eric Lerner, tác giả cuốn sách The Big Bang Never Happened (Big Bang chưa từng xảy ra) phát hành năm 1991 vừa chia sẻ bài phân tích các khía cạnh mâu thuẫn trong hình ảnh của James Webb với giả thuyết Big Bang, đăng trên tạp chí của Viện Ý tưởng và Nghệ thuật Vương quốc Anh (IAI). Zing lược dịch và gửi đến bạn đọc.
Sự hoảng sợ của các nhà khoa học
Từ khi hoạt động chính thức vào tháng 7, kính viễn vọng James Webb đã tạo ra những hình ảnh ấn tượng về vũ trụ. Lần đầu tiên các nhà khoa học có thể phát hiện, phân tích để dựng hình ảnh thiên hà, ngôi sao cổ và xa nhất từ trước đến nay.
Trong những nghiên cứu được xuất bản về James Webb, một bài viết trên arXiv gây chú ý khi bắt đầu với chữ "Panic!" (Hoảng sợ). Dù không phân tích ý nghĩa phía sau chữ "Panic", các dữ liệu và hình ảnh thu được từ James Webb trong bài viết hoàn toàn mâu thuẫn với giả thuyết Vụ nổ Lớn (Big Bang), sự kiện tạo ra vũ trụ mà chúng ta biết đến ngày nay.
Thuyết Big Bang mô tả rằng vũ trụ được hình thành cách đây 14 tỷ năm trong trạng thái cực kỳ nóng, đặc và luôn mở rộng. Giả thuyết này được các nhà khoa học vũ trụ đưa ra và chấp nhận suốt nhiều năm như một sự thật. Do đó, dữ liệu của James Webb đang khiến các nhà khoa học lý thuyết cảm thấy "hoảng sợ".
"Ngay bây giờ, tôi thức trắng lúc 3h sáng, tự hỏi rằng mọi công trình của mình liệu có sai lầm hay không", Alison Kirkpatrick, nhà thiên văn học tại Đại học Kansas, Lawrence (Mỹ) cho biết.
Ảo ảnh của Big Bang không có thật?
Hình ảnh thu về từ James Webb đều chụp rất nhiều thiên hà cực nhỏ, mịn và già. Không quá khó để nhận thấy điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với thuyết Big Bang.
Hãy bắt đầu với chi tiết "cực nhỏ". Vũ trụ liên tục giãn nở tạo ra ảo ảnh. Với hiệu ứng trên, chúng ta sẽ thấy các thiên hà (hoặc vật thể) trong vũ trụ giãn nở không hề nhỏ đi dù khoảng cách ngày càng xa. Kích thước của chúng khi quan sát thậm chí có thể lớn hơn nếu đi qua một số điểm nhất định trong vũ trụ do hiệu ứng ánh sáng.
Trong khi đó, ảnh chụp từ James Webb cho thấy thiên hà ngày càng nhỏ nếu cách xa chúng ta. Ngay cả những thiên hà với độ sáng, khối lượng lớn hơn Dải Ngân hà được nhìn thấy cũng nhỏ hơn 2-3 lần so với cùng bức ảnh chụp bởi kính viễn vọng Hubble. Từ đó, mức dịch chuyển đỏ (redshift) của các thiên hà cũng cao hơn 2-3 lần quan sát cũ.
Đó không phải chi tiết phù hợp với một vũ trụ giãn nở, tuy nhiên tôi và cộng sự Riccardo Scarpa từng dự đoán điều tương tự xảy ra trong vũ trụ không giãn nở. Năm 2014, chúng tôi đã chia sẻ kết quả dựa trên kính viễn vọng Hubble, cho thấy thiên hà có mức dịch chuyển đỏ đến 5 phù hợp với giả thuyết vũ trụ không giãn nở.
Với James Webb, mức dịch chuyển đỏ phù hợp tăng lên 12. Nói cách khác, những thiên hà xa xôi trong bức ảnh của James Webb có kích thước bằng với thiên hà "hàng xóm" của chúng ta, giả định rằng vũ trụ không giãn nở và mức dịch chuyển đỏ tỷ lệ thuận với khoảng cách.
Tuy nhiên theo quan điểm thuyết Big Bang về vũ trụ giãn nở, các thiên hà xa xôi này phải thực sự rất nhỏ để phù hợp với hiệu ứng ảo ảnh. Lấy ví dụ với GHz2, thiên hà được quan sát với độ sáng cao hơn Dải Ngân hà nhưng bán kính chỉ 300 năm ánh sáng, nhỏ hơn bán kính Dải Ngân hà đến 150 lần. Nếu độ sáng cao như vậy, bề mặt thiên hà trên một đơn vị diện tích sẽ sáng gấp 600 lần thiên hà sáng nhất trong vũ trụ, độ dày đặc gấp hàng chục nghìn lần những thiên hà khác.
Ngay từ thời Hubble, các nhà khoa học đã đặt giả thuyết về thiên hà siêu nhỏ, dày đặc được tạo thành khi một thiên hà va chạm với thiên hà khác, tạo ra cấu trúc lộn xộn. Tuy nhiên trong ảnh của James Webb, các thiên hà siêu nhỏ có phần đĩa cực kỳ "sạch sẽ" và dạng xoắn ốc gọn gàng, tương tự các thiên hà ngày nay.
Trong bài viết "Panic!", dữ liệu cho thấy các thiên hà xoắn ốc mịn như vậy nhiều gấp 10 lần so với lý thuyết. Điều đó sẽ hoàn toàn phá hủy các giả thuyết trước đây về sự hợp nhất thiên hà.
Với lượng thiên hà hợp nhất quá ít hoặc không tồn tại, sẽ không có chuyện các thiên hà nhỏ bé có thể lớn thêm hàng trăm lần. Nếu như vậy, ảo ảnh được dự đoán từ thuyết vũ trụ giãn nở sẽ không tồn tại, đồng nghĩa không có vũ trụ giãn nở, không có Big Bang.
Minh chứng bằng những con số
Tiếp theo, James Webb sử dụng nhiều bộ lọc để thu thập dữ liệu từ các bước sóng hồng ngoại rồi dịch thành màu sắc. Từ đó, nhà khoa học có thể ước tính tuổi của ngôi sao trong thiên hà. Những ngôi sao nóng và trẻ có màu xanh, trong khi ngôi sao mát và già có màu vàng hoặc đỏ.
Theo thuyết Big Bang, các thiên hà xa nhất trong ảnh của James Webb xảy ra khoảng 400-500 triệu năm sau vụ nổ. Tuy nhiên, một số thiên hà tồn tại các quần thể sao hơn một tỷ năm tuổi. Sự tồn tại của chúng là bằng chứng cho thấy Big Bang không xảy ra.
Nếu thuyết Big Bang chính xác, các nhà khoa học nghĩ rằng James Webb sẽ ngày càng phát hiện ít thiên hà, cuối cùng là không còn khi quan sát với khoảng cách xa nhất. Tuy nhiên, một bài báo trên tạp chí Nature chứng minh các thiên hà có khối lượng giống Dải Ngân hà tồn tại rất phổ biến, thậm chí trong khoảng vài trăm triệu năm sau Big Bang.
Bài phân tích tuyên bố rằng ảnh chụp của James Webb cho thấy số lượng thiên hà có mức dịch chuyển đỏ cao hơn 10 nhiều hơn ít nhất 100.000 lần giả thuyết. Không cách nào để các thiên hà lớn như vậy hình thành trong khoảng thời gian ngắn, và một lần nữa, Big Bang không tồn tại trong trường hợp này.
Đầu tháng 7, tôi đã đăng tải bài báo tóm tắt những phân tích về thành phần hóa học của thiên hà. Dựa trên các tài liệu đã xuất bản, thuyết Big Bang đã đưa ra 16 sai lầm, chỉ một chi tiết chính xác là sự phong phú của deuterium, một đồng vị hydro.
Bàn tay thao túng truyền thông?
Bạn đọc có thể thắc mắc tại sao họ ít đọc những bài viết về sự sai lầm của thuyết Big Bang trên các phương tiện truyền thông lớn, và tại sao tác giả nhiều báo cáo không tự họ chỉ ra điểm mâu thuẫn. Câu trả lời rằng nếu bất cứ ai thắc mắc về Big Bang, họ sẽ bị cho là ngu xuẩn và không phù hợp với chuyên môn công việc.
Nguồn tài trợ cho vũ trụ học đến từ số ít tổ chức chính phủ, được kiểm soát bởi vài ủy ban do các nhà lý thuyết Big Bang chi phối. Họ đã dành cả cuộc đời để xây dựng lý thuyết. Những bài viết công khai phản biện về Big Bang không có sự hậu thuẫn lớn như vậy. Nếu được xuất bản, chúng bị xem là các bài viết "dị dạng", không tuân theo cơ sở khoa học vũ trụ.
Hiện nay, hầu như không thể xuất bản nghiên cứu chỉ trích Big Bang trên các tạp chí thiên văn. Một biên tập viên từng từ chối bài nghiên cứu của tôi... Sự kiểm duyệt như vậy thật vô nghĩa với tiến bộ của khoa học.
Cá nhân tôi đã kêu gọi các nhà khoa học lý thuyết về Big Bang tranh luận cởi mở về những bằng chứng mới. Cũng như mọi lĩnh vực, để phát triển vũ trụ học, cuộc tranh biện cần diễn ra công khai trên các tạp chí khoa học và phương tiện truyền thông đại chúng.
Đối với Lerner, nhà văn 75 tuổi sử dụng plasma để giải thích sự hình thành và tiến hóa của vũ trụ. Plasma là khí dẫn điện tạo nên hầu hết vật chất có thể nhìn thấy trong không gian, các ngôi sao và khoảng không giữa chúng.
Một trong những quá trình mà Lerner nghiên cứu suốt nhiều năm là hình thành cấu trúc sợi plasma (plasma filementation). Quá trình diễn ra khi dòng điện hình sợi của plasma và từ trường tạo thành xoắn ốc và phát ra bức xạ đồng bộ (synchrotron radiation) gồm sóng vô tuyến, ánh sáng, tia X và tia gamma.
Cùng với lực hấp dẫn, Lerner cho rằng hình thành cấu trúc sợi plasma là một trong những quá trình cơ bản trong việc hình thành các hành tinh, ngôi sao, thiên hà và cấu trúc của chúng ở mọi quy mô.
Kết bài viết, Lerner một lần nữa kêu gọi thảo luận công khai về thuyết Big Bang và plasma trong việc hình thành vũ trụ. "Tranh biện cởi mở có thể xóa bỏ một giả thuyết thất bại, định hướng lại vũ trụ học để nghiên cứu các hiện tượng thực tế, phát triển công nghệ tiến tiến trên Trái Đất", Lerner cho biết.