Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) xác nhận vẫn tham gia vận hành Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ít nhất đến năm 2028. Trước đó, Giám đốc Roscosmos Yuri Borisov gây bất ngờ khi tuyên bố Nga sẽ rút khỏi ISS "sau năm 2024".
Chia sẻ với Reuters, Kathy Lueders, Trưởng phi hành đoàn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) được các lãnh đạo Roscosmos thông báo vào ngày 27/7 về kế hoạch tiếp tục đưa phi hành gia lên ISS. Việc hợp tác sẽ kéo dài đến khi ROSS, trạm vũ trụ do Nga phát triển được xây dựng và vận hành.
"Chúng tôi không nhận thấy bất cứ dấu hiệu từ các cấp quản lý rằng sẽ có sự thay đổi", Lueders chia sẻ. Bà khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa NASA với Roscosmos vẫn bình thường.
Nga sẽ ở lại Trạm Vũ trụ Quốc tế trong ít nhất 6 năm tới. Ảnh: NASA. |
Trong bài phỏng vấn đăng trên website Roscosmos ngày 27/7, Vladimir Solovyov, người phụ trách các chuyến bay của Nga tại ISS cũng kỳ vọng ROSS được xây dựng hoàn chỉnh trên quỹ đạo vào năm 2028. Ông khẳng định Nga cần ở lại ISS đến khi ROSS vận hành.
"Tất nhiên, chúng tôi cần tiếp tục vận hành ISS đến khi tạo ra danh sách công việc cụ thể cho ROSS. Chúng tôi phải tính đến khả năng nếu ngừng các sứ mệnh có phi hành đoàn trong vài năm, sẽ rất khó để khôi phục những thứ từng đạt được", Solovyov cho biết.
Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Borisov hy vọng trạm vũ trụ của Nga thành hình từ năm 2024. Giám đốc Roscosmos cũng muốn cơ quan này tập trung vào các dịch vụ không gian quan trọng với nền kinh tế Nga, bao gồm liên lạc, truyền dữ liệu, thu thập thông tin khí tượng và trắc địa.
Theo CNET, Roscosmos đã công khai ý định rời ISS từ những năm gần đây, đặc biệt khi xung đột về chính trị giữa Nga và Mỹ ngày càng lớn.
NASA dự kiến vận hành ISS đến năm 2030, sau đó thả xuống Thái Bình Dương. Nếu Nga rời ISS vào năm 2028, một mình NASA sẽ vận hành trạm vũ trụ trong 2 năm kế tiếp. Điều này có thể đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ tốt đẹp ngoài không gian giữa 2 quốc gia suốt hàng chục năm.
Các phi hành gia làm việc bên ngoài ISS năm 2006. Ảnh: National Geographic. |
Trong cuộc họp ngày 26/7, Robyn Gatens, Giám đốc phụ trách ISS tại NASA cho rằng bà đã linh cảm đúng khi Nga muốn rời ISS để chuẩn bị các tham vọng tiếp theo.
"Khi chúng tôi lên kế hoạch chuyển đổi sang những trạm vũ trụ thương mại trong quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất sau năm 2030, Nga cũng có dự án tương tự. Họ cũng đang suy nghĩ về sự thay đổi ấy", Gatens chia sẻ.
Nga và Mỹ lần đầu vận hành trạm không gian từ năm 1998, như một kỳ tích hợp tác quan trọng sau nhiều thập niên chạy đua không gian trong Chiến tranh Lạnh. Kể từ đó, ISS là nơi các phi hành gia trên thế giới cùng nghiên cứu nhằm đưa nhân loại tiến xa vào không gian. Canada, Nhật Bản cùng 11 nước châu Âu cũng hỗ trợ các hoạt động của ISS.