Đứng ở vị trí thứ 49 trên bảng xếp hạng các tay vợt nữ thế giới, Thùy Linh không được đánh giá cao ở Olympic Tokyo. Cô rơi vào bảng đấu mạnh, với sự góp mặt của tay vợt số một thế giới Tai Tzu-ying (Đài Loan, Trung Quốc). Hai đối thủ còn lại là Qi Xuefei (Pháp, hạng 41) và Sabrina Jaquet (hạng 46, Thụy Sĩ).
Không ngoài dự đoán, Thùy Linh dừng chân sau vòng bảng. Tuy nhiên, tay vợt sinh năm 1997 có quyền ngẩng cao đầu.
Chinh phục giấc mơ
“20 tuổi và đứng thứ 2 Việt Nam, em không nghĩ đó là thành tích tốt. Em nghĩ mình có tiềm năng đánh bại người giỏi nhất. Từng ngày, từng giờ, mục tiêu của em luôn là làm sao để có thể lên số một Việt Nam, làm sao lọt top thế giới, làm sao có vé dự Olympic”, Thùy Linh phát biểu đầy tham vọng cách đây 4 năm. Lúc đó, tay vợt nữ số 1 Việt Nam là Vũ Thị Trang.
Ba năm sau, Thùy Linh chính thức vượt mặt đàn chị Vũ Thị Trang để trở thành tay vợt số một Việt Nam. Cô giành suất dự Olympic Tokyo và được tranh tài với những người giỏi nhất.
"Như đã chia sẻ từ trước. Đây là thần tượng của mình. Được thi đấu ở đấu trường lớn như vậy với thần tượng, thì quả là một giấc mơ phải không? Mình đã quyết tâm thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, còn 1 trận nữa, cố lên tôi ơi!", Thùy Linh chia sẻ trên trang cá nhân sau cuộc đối đầu Tai Tzu-ying hôm 26/7.
Với Thùy Linh, Olympic là một giấc mơ. Chắc chắn cô nàng đã có giấc mơ đẹp. Thùy Linh thất bại trước thần tượng của mình, nhưng cũng đã có màn trình diễn ấn tượng.
Thùy Linh gây ra không ít khó khăn cho người hơn mình đến 47 hạng. Có những thời điểm trong trận Thùy Linh chiếm ưu thế và duy trì điểm cách biệt trước Tzu-ying. Tay vợt người Đài Loan (Trung Quốc) bị bất ngờ trước những pha cài cầu gần lưới của hoa khôi cầu lông Việt Nam.
Thùy Linh không có nhiều pha đập uy lực, nhưng khả năng điều và cắt cầu tốt giúp tay vợt Việt Nam luôn dẫn trước đối thủ với cách biệt 2 điểm. Tzu-ying liên tục điều cầu khắp mặt sân nhằm bào mòn thể lực của Thùy Linh nhưng phải đến thời điểm cuối set, tay vợt số một thế giới mới có thể vượt lên. Cuối cùng, với đẳng cấp vượt trội, Tzu-ying giành chiến thắng 2-0 với tỷ số các set là 21-16, 21-11.
Ở 2 trận đấu còn lại, Thùy Linh tiếp tục thi đấu xuất sắc. Cô nàng vượt qua 2 đối thủ có hạng cao hơn mình là Qi Xuefei và Sabrina Jaquet. Tuy nhiên, do mỗi bảng chỉ có 1 tay vợt vào vòng trong, Thùy Linh đành chấp nhận rời Olympic Tokyo.
Bài học từ Olympic
"Em cảm thấy rất vui. Sau 3 trận đấu thì em nghĩ học hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Em nghĩ đây là kinh nghiệm để em cải thiện được những điểm mình chưa tốt", Thùy Linh chia sẻ.
Được cọ xát với những vận động viên hàng đầu ở giải đấu lớn như Olympic, Thùy Linh nhận ra những khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, cô nàng vẫn tự tin với năng lực của bản thân để hướng tới những giải đấu tiếp theo.
"Sau 1 năm không được thi đấu quốc tế, em đã được đến thử sức đấu trường Olympic. Và rất may là khi đến đây, sau khi đánh xong với cây vợt số 1 thế giới, em thấy mình hoàn toàn có khả năng đánh được với họ chứ mình không quá xa họ. Em nghĩ đây là cơ hội để mình cố gắng tập luyện hơn nữa", Thùy Linh quyết tâm.
Hành trình của Thùy Linh tại Olympic Tokyo đã kết thúc. Nhưng đây có thể là bước đệm để tay vợt này có thể vươn xa hơn nữa trong sự nghiệp.
Chúng ta có thể tin vào điều đó bởi những nỗ lực mà Thùy Linh đã thể hiện trong quá khứ. So với người đàn chị Vũ Thị Trang, Linh có ít lợi thế hơn trong việc theo đuổi cầu lông.
Vũ Thị Trang từng là tay vợt Việt Nam duy nhất có mặt ở Olympic 2016, là "nữ hoàng" của cầu lông Việt Nam trong nhiều năm. Trang là con nhà nòi cầu lông, còn Linh chỉ xuất phát từ chơi phong trào.
Thậm chí, Thùy Linh phải vượt qua gánh nặng về tâm lý. Cô chia sẻ: "Chị Trang có nhiều lợi thế hơn em. Chị ấy có những người giỏi bên cạnh, có môi trường tập tốt hơn. Em gần như bị ám ảnh về việc vượt qua chị ấy".
Nhưng rồi từng bước một, Thùy Linh khẳng định được tài năng của mình để soán ngôi vị số 1. Ở tuổi 24, cô gái quê Phú Thọ đang là niềm hy vọng lớn của cầu lông Việt Nam.
Các tay vợt Việt Nam chưa từng vượt qua vòng bảng của Olympic. Ở đấu trường SEA Games, chúng ta vẫn chưa một lần bước lên bục nhận huy chương cao nhất.
Nhưng với những gì mà Thùy Linh đã thể hiện ở Olympic Tokyo, chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai. Thùy Linh sẽ coi đây là động lực để cố gắng hơn nữa để đạt phong độ cao, trước mắt là ở kỳ SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà.
Thông tin về Nguyễn Thùy Linh
- Ngày sinh: 20/11/1997
- Nơi sinh: Phú Thọ.
- CLB đang thi đấu: Đồng Nai, từng thi đấu cho Hà Nội và Đà Nẵng
- Thành tích thi đấu:
+ Vị trí cao nhất trên BXH thế giới là 41, hiện đứng thứ 49
+ 2016: HCB Bangladesh International Challenge; HCV tại Nepal International.
+ 2017: HCV tại các giải Italian International 2017; Laos International 2017; Monoglia International 2017
+ 2018: HCV tại giải Bangladesh International Challenge 2018
+ 2019: HCV tại giải Bangladesh International Challenge, HCB Hungarian International 2019; HCB Norwegian International 2019
+ 2020: HCB tại giải Áo Mở rộng 2020 (Austrian Open)
+ Dự SEA Games lần đầu vào năm 2015 (18 tuổi)
Thùy Linh gây ấn tượng trong lần đầu dự Olympic
Nguyễn Thùy Linh có thứ hạng thấp nhất trong các tay vợt tại bảng P môn cầu lông Olympic Tokyo, nhưng giành 2 trận thắng và chỉ chịu thua VĐV số một thế giới Tai Tzu-ying.
Hình ảnh đời thường của nữ VĐV cầu lông số 1 Việt Nam
Gần 17 năm từ ngày cầm chiếc vợt đầu tiên được ông nội tặng, Nguyễn Thùy Linh đã ra mắt sân chơi Olympic và để lại dấu ấn khó quên.
Cú sút đổi hướng may mắn của Lisandro Martinez mang về 3 điểm quý giá cho Manchester United, nhưng không thể che lấp những vấn đề sâu xa mà đội bóng đang đối mặt.