Tay vợt sinh năm 1997 là một trong số ít VĐV Việt Nam thi đấu ấn tượng ở Olympic. Rơi vào một bảng đấu khó, Thùy Linh khiến không ít người hâm mộ bất ngờ. Cô thắng 2 trận trước Qi Xuefei (Pháp) và Sabrina Jaquet (Thụy Sĩ), chỉ chịu gác vợt trước tay vợt số một thế giới Tai Tzu-ying (Đài Loan Trung Quốc).
Chia sẻ với Zing khi trở về Việt Nam, Thùy Linh tin rằng cô đang tiến bộ và có thể làm được tốt hơn.
Thùy Linh nằm trong số ít VĐV Việt Nam thi đấu ấn tượng ở Olympic Tokyo vừa qua. Ảnh: Reuters. |
- Hai chiến thắng và một thất bại trước tay vợt số một thế giới, Thùy Linh có hài lòng với kỳ Olympic đầu tiên của mình không?
- Nguyễn Thùy Linh: Lần đầu dự một kỳ Olympic, kết quả này khiến Linh khá hài lòng dù vẫn còn những điều tiếc nuối. Trong đó, tiếc nuối lớn nhất có lẽ là trận đấu với tay vợt số một thế giới Tai Tzu-ying. Tôi dẫn 16-14 trước Tai nhưng lại không tận dụng được cơ hội, giao cầu hỏng trong tình huống tiếp theo sau đó để đối thủ vượt lên giành chiến thắng.
- Ngoài thất bại đó, Linh còn 2 chiến thắng ấn tượng trước các đối thủ có thứ hạng cao hơn mình. Người hâm mộ ở quê nhà đã rất bất ngờ và tự hào. Còn Linh thì sao?
- Thực ra, tôi không bất ngờ vì hai thắng lợi ấy. Linh và ban huấn luyện đã tìm hiểu trước về hai đối thủ đó và biết rằng mình có thể đánh bại họ. Linh chỉ không ngờ 2 trận đấu lại diễn ra khá dễ dàng, thế trận một chiều với tỷ số tương đối chênh lệch.
- Nhiều người tin rằng nếu không nằm cùng bảng Tai Tzu-ying, Linh có quyền nghĩ về một tấm vé đi tiếp?
- Thực ra nhóm 14 tay vợt hạt giống đều rất mạnh, không có ai yếu cả. Nhưng đúng là nếu không phải gặp Tai Tzu-ying, Linh nghĩ mình sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Khoảnh khắc Thùy Linh vượt lên 16-14 trước tay vợt số một thế giới Tai Tzu-ying ở Olympic Tokyo. |
- Năm 2019, Linh dự 15 giải quốc tế khác nhau ở châu Á, châu Âu và châu Đại Dương. Những trải nghiệm ấy đã thay đổi Linh như thế nào?
- Năm 2019 thực ra là năm tôi thua nhiều nhất, đánh đâu thua đấy, thua hết giải này tới giải khác. Tôi từng có thời điểm hơn chị Trang (Vũ Thị Trang - PV) tới 20 bậc trên bảng xếp hạng thế giới. Nhưng nhiều thất bại khiến tôi dần bị chị ấy đuổi kịp.
Sau đợt tập huấn tại Nhật Bản, tôi mới dần lấy lại sự tự tin và có một vài chiến thắng, vào chung kết vài giải đấu. Nhưng các thất bại của năm đó giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn, trưởng thành hơn.
- Nhưng sau đó là một năm tồi tệ nhỉ? Tôi nhớ hầu hết VĐV Việt Nam đã phải ngồi chơi vì dịch Covid-19?
- Đúng vậy, phong độ của tôi đã trở lại vào khoảng đầu năm 2020, trước thời điểm tổ chức Olympic Tokyo ban đầu một thời gian. Việc Thế vận hội hoãn lại khiến tôi bị mất điểm rơi, đồng thời khiến tôi không được thi đấu quốc tế trong một thời gian dài.
Sau giải Australia Open vào tháng 2/2020, tôi không còn được thi đấu quốc tế suốt gần một năm rưỡi, phong độ bị ảnh hưởng. Tình hình thực sự rất khó khăn.
Thùy Linh đặt mục tiêu trở lại ở Olympic kế tiếp trên đất Pháp, sẽ diễn ra khi có 27 tuổi. Ảnh: Reuters. |
- Dường như thành tích tốt của nhiều tay vợt Đông Nam Á ở Olympic cho thấy cầu lông vẫn là môn phù hợp với thể trạng người Đông Nam Á và nên được khuyến khích phát triển ở Việt Nam?
- Trước đây, điều đó có thể đúng nhưng ngày nay đã khác rồi. Tôi thấy các nước châu Âu đã vươn lên mạnh mẽ. Nhiều tay vợt châu Âu vừa có kỹ thuật, lại có thể hình và thể lực. Axelsen (HCV cầu lông đơn nam Viktor Axelsen - PV) là một ví dụ. Anh ta cao hơn 1,9 m, đó là lợi thế rất lớn trong cầu lông.
Các tay vợt nữ của châu Âu cũng rất cao và khỏe. Tôi cao xấp xỉ 1,6 m còn đối thủ Thụy Sĩ ở Olympic (Sabrina Jaquet) cao gần 1,7 m. Lợi thế chiều cao giúp cô ấy có những cú đập vợt rất uy lực.
- Olympic sẽ trở lại sau 3 năm nữa, Linh có đặt mục tiêu nào cho lần trở lại tới không?
- Tôi tin mình có thể cải thiện trình độ và nâng cao thành tích. Tôi cũng đặt mục tiêu giành vé dự Olympic kế tiếp trên đất Pháp. Có vượt qua được vòng bảng hay không, điều đó còn phụ thuộc vào kết quả bốc thăm. Nhưng tôi hy vọng và sẽ nỗ lực để thực hiện được điều đó.
- Cảm ơn Linh vì cuộc trao đổi.