Thương Tín – Những câu chuyện đời.
Trước mặt tôi vẫn sừng sững là một tài tử… bụi đời, không trao chuốt, thẳng thắng tâm tình bằng những câu chuyện rất đời trong cuộc sống nghệ thuật giữa xưa và nay. Anh cỡi mở chân tình, thỉnh thoảng châu mày như muốn diễn tả một sự việc phức tạp bằng những câu chuyện đời đơn giãn nhất.
Diễn viên Thương Tín - Ảnh Lữ Đắc Long |
Chuyện của xưa và nay.
Ngồi trong quán cà phê suốt buổi sáng mà vẫn chưa ai nhận được Thương Tín, bởi anh tự chọn cho mình một góc khuất trong quán cà phê ở khu vực Hồ Con Rùa. Anh đốt thuốc liên tục, ánh mắt vẫn sắc lạnh và hút hồn người đối diện, làm tôi liên tưởng đến không không gian của những tháng ngày oanh liệt, cái thời một năm anh đóng 12 phim truyện nhựa, chứ đâu như bây giờ chỉ lèo tèo vài ba phim nhựa của cả nước Việt Nam. Thời ấy một vai diễn trong một vỡ kịch anh diễn tiền lương là 1 triệu 500 ngàn, cỡ “tép riêu” như Quyền Linh chỉ lảnh được 15 ngàn là mừng như bắt được vàng, vì được diễn chung với thần tượng… Thương Tín.
Ngày ấy, một bộ phim như Chiến Trường Chia Nữa Vầng Trăng quay quần quật sáu tháng trời là “chuyện nhỏ”, sáng đi đóng phim, cứ đúng giờ là có xe tới tận nhà đưa rước, ra hiện trường giữa cái nắng chang chang, có người cầm dù che nắng, khiến anh sượng cả người, thấy thế người cầm dù mới bảo: “ Tôi đang che cho diễn viên, để làm việc tốt nhất cho đoàn, chứ lỡ anh bệnh là cả đoàn sẽ… khổ!”.
Khi nhận vai, về nhà trăn trở suốt ngày, phải làm sao cho thật với nhân vật, còn bây giờ nhiều bạn diễn hời hợt quá làm sao có chiều sâu. Chưa hết, có đêm đạo diễn bày binh bố trận, đặt đèn canh ánh sáng, rồi hoá trang và mặc phục trang đang hoàng, chỉ để quay duy nhất một cảnh cận là về, đấy làm nghệ thuật ngày xưa là như thế, tiền bạc không bao nhiêu, chỉ cần sống trọn vẹn với lửa đam mê của mình là thấy sướng. Đoàn phim đi tới đâu, Tỉnh Uỷ, Uỷ Ban rồi bà con tiếp đón linh đình, giết bò, mổ heo đãi đoàn phim xã láng, những ánh mắt, bắt tay sao mà chân tình và da diết quá. Còn bây giờ, ở đâu nghe đoàn phim tới là ngừơi ta cứ sợ xanh cả mặt!
Ngày ấy khi phim chiếu, khán giả xếp hàng rồng rắn chen nhau xem, dù không lảnh thêm đồng cắc nào, nhưng thấy cảnh tượng ấy, sướng không sao tả được. Còn bây giờ, đến xem phim thấy vắng quá, phải gõ cửa, bảo vệ thấy mình là diễn viên, mới chịu mở cửa rồi thông báo: “ Không có người xem, làm sao mà chiếu!” Nhớ lại bộ phim Vụ An Viên Đạn Lạc với kinh phí đầu tư chỉ 100 ngàn, khi chiếu rạp thu gần hai tỷ, nếu chia theo phần trăm theo kiểu diễn viên… Holywood là Thương Tín này đã trở thành đại gia của thời đó rồi”.
Bây giờ phim trường đã khác xa, dù công nghệ có tiến bộ, nhưng cách làm và ý thức con người đôi lúc lạ quá, làm phim họ chỉ biết chỉ tiêu mỗi ngày phải quay được bao nhiêu cảnh, phim này nhà tài trợ là ai, họ muốn gì, ngay cả cái quyền chọn lựa diễn viên của đạo diễn cũng không được quyền chọn. Còn diễn viên, nội việc chạy sô cũng biết là họ không đủ thời gian đầu tư cho vai diễn, nên bây giờ khó tìm đâu một vai diễn ưng ý theo kiểu Sáu Tâm hay Tám Thương của ngày xưa nữa.
diễn viên Thương Tín |
Thế thái nhân tình.
Sống và làm việc với nhiều thế hệ diễn viên, từng kinh qua biết bao chuyện vui buồn của nghề. Tính anh ít nói, trầm lặng, vậy mà có lần nghe nói anh đã định “xử “ một đồng nghiệp trong một đêm văn nghệ Tỉnh? Đúng, vì người ấy đã xúc phạm danh dự của bạn diễn, rồi cứ nhân danh là nghệ sĩ, để tự lăng xê mình trứơc các lảnh đạo, dạng người “nịnh trên đè dưới” như thế này tôi không chịu nổi, lần đó tôi đã “sổ” luôn người đứng ra can, mà sao này tôi mới biết đó là vị Chủ Tịch Tỉnh Uỷ, nhưng anh ấy không trách tôi, vì hiểu tôi phản ứng vì danh dự của một nghệ sĩ. Nhưng không phải vụ nào tôi cũng nóng như thế, đã có một kịch bản tôi phân cảnh cả tháng trời để chuẩn bị làm đạo diễn, nhưng có người giành làm, tôi âm thầm nhường nhịn, tôi không giành vì sự cảm hứng đã không còn, có làm cũng đâu sướng ích gì!
Tôi từng một mình ra Bắc làm… đạo diễn, gặp các diễn viên “cứng cựa” không nghe lời, cứ diễn theo ý của mình, đã vậy còn bày đặt… sửa lưng, những lúc ấy tôi điên lắm, nhưng rồi phải chứng minh cho họ thấy bằng tài năng của mình, đến lúc đó họ mới sực nhớ: Thương Tín thuộc dạng “trùm” diễn của miền Nam!
Nói về nghề đạo diễn, tôi thấy không dễ như người ta tưởng, nếu làm thương mại thì chỉ lo kiếm tiền, còn chí thú với dạng nghệ thuật thì mõi mệt lắm vì phải đầu tư… chất xám rất nhiều, mà đâu phải ai cũng có chất xám đâu.
Tôi đã từng bỏ ra 50 triệu đồng của cái thời điện ảnh bao cấp, để trả tiền tác giả, tiền đi chọn cảnh… rồi chấp nhận lổ trắng tay, bởi tôi không hợp với dạng thị trường. Từng tuổi này, tôi không nghĩ tới việc kiếm tiền vì liệu mình sống được bao lâu, nên chỉ mong làm sao cho thoả sức đam mê của mình.
Hai bộ phim Vết Thẹo và Vực Thẳm Phía Trước do tôi làm đạo diễn của chương trình Điện Anh Chiều Thứ Bảy, ai cũng bảo ít tiền như thế, làm được cái gì? Tôi đã trả lời: “ Được bộ phim tâm đắc, được cái tình của anh em trong đoàn phim. Mà ở diễn viên Hà Nội thì dễ thương lắm, đóng phim xong đưa phong bì, họ không mở ra xem được bao nhiêu, mà cứ hỏi: “ Anh ơi hết phim rồi sao, còn phim nào đóng nữa không anh !”. Đấy cái tình của họ như thế, mình có mệt bao nhiêu cũng quên hết, chứ nhắc tới diễn viên trong Nam của mình, cứ đụng tới là em bận lắm, vai diễn đó được bao nhiêu tiền, có phải vai chính không anh?
Mới đây ở Hãng Phim TFS kêu tôi làm bộ phim Cãi Ơi với đạo diễn Phương Điền để biết rõ đường đi nước buớc của một quy trình công nghệ. Đây là một sân chơi mới, hứa hẹn nhiều hấp dẫn đây, thôi thì hai anh em chung sức mà làm, để thoả lòng đam mê nghệ thuật.
Sống ở đời, ngành nghề nào cũng cần có tình nghĩa, châm chọc ganh ghét nhau, đâu có ích lợi gì, tôi quan niệm: Đã có vay, tức sẽ có trả, tốt nhất mình nên sống đúng với chính mình. Có lẽ tánh tôi thẳng, nên gặp nhiều sự ganh ghét, nhưng tôi vẫn cứ sống hết mình với bè bạn. Tôi quý những buổi nhậu bên hè đường, những lúc ấy nhậu không phải để tìm say, càng không phải để hường thụ, mà đó là dịp để anh em được ngồi lại với nhau, lai rai vài ba cốc rượu, tâm tình, chia sẽ giải toả, đó là những phút giây thật lòng nhất của con người.
Tôi có anh bạn là lãnh đạo của một ngành, khi đương thời, lịch mời đi nhậu đặc kín, một bước đi có xe đón người đưa, nhưng khi chuyển thời, không một người thăm hỏi, nghĩ lại thế thái nhân tình sao mà buồn thế. Rồi một diễn viên trẻ rất ngây thơ, vậy mà bây giờ nghe đâu cô ấy rất “dữ dằn” có thể hét ra lửa với bất kỳ ai, nhiều lúc định khuyên nhủ một vài lời, nhưng lại thôi, vì con người có thể thay đổi vì môi trường, nhưng bản chất vẫn cứ là bản chất, tôi chỉ mong cô ấy sẽ nghĩ và trở lại đúng con người của mình.
Có thể nói suốt chặng đường đã qua, điều tôi vui nhất là những người phụ nữ từng sống với tôi, dù một vài ngày hay dài đến… 10 năm, chưa có một người nào gặp lại tôi mà cảm thấy… buồn, nghĩ lại mình sống cũng không tệ lắm, nên cuộc đời này, với tôi quan trọng nhất là hãy ống thât với lòng mình.
Lữ Đắc Long
Theo Thế Giới Nghệ Sỹ