Chỉ trong vài ngày cuối tháng 11/2020, hai cửa hàng flagship từ thương hiệu Louis Vuitton và Dior (cùng thuộc sở hữu của Tập đoàn LVMH) lần lượt mở cửa tại trung tâm Hà Nội, làm khuấy động thị trường bán lẻ cao cấp ở Việt Nam.
Nhưng từ đó đến nay, cả nước chưa đón thêm điểm bán mới của thương hiệu xa xỉ nào khác.
Điểm nghẽn khi tìm kiếm mặt bằng
Theo ông Nick Bradstreet, Giám đốc bộ phận bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Savills, điểm nghẽn lớn nhất mà các doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ gặp phải trong quá trình gia nhập thị trường Việt Nam là điều kiện mặt bằng.
Kể cả với các cửa hàng của Louis Vuitton và Dior khai trương cách đây gần 2 năm, đội ngũ Savills cùng Tập đoàn LVMH cũng đã phải kết hợp nhiều nhà phố mới tạo nên được một mặt bằng lớn phù hợp với thương hiệu. Đồng thời, mặt bằng cũng được cải tạo, nâng cấp không gian để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nick Bradstreet, Giám đốc bộ phận bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Savills. Ảnh: Savills. |
Qua quá trình đồng hành với nhiều tập đoàn lớn, ông Nick cho biết các thương hiệu thuộc phân khúc này thường hướng đến những địa điểm tập trung nguồn khách hàng cao cấp, thường là khu vực đắt giá ở trung tâm, ví dụ như IFC Mall của Hong Kong hay IAPM Mall của Thượng Hải.
"Nguồn cung phù hợp tiêu chuẩn đối với những thương hiệu cao cấp tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều này đã khiến các nhãn hàng xa xỉ chần chừ khi đưa ra quyết định", ông nhấn mạnh.
Hiện nay, TP.HCM chỉ có Union Square đáp ứng tiêu chí. Còn ở Hà Nội, khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm đang thiếu hụt mặt bằng phù hợp với thương hiệu cao cấp. Nghiên cứu từ Savills cho thấy giá thuê khu vực này cũng tăng mạnh, có những tuyến phố ghi nhận mức tăng 15% giữa năm 2020 và 2021.
Đây là lý do trong khi các nhãn hàng cao cấp đều đã có 5-6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok nhưng chỉ mới mở 1-2 điểm tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Điểm nghẽn lớn nhất doanh nghiệp gặp phải trong quá trình gia nhập thị trường Việt Nam nằm ở điều kiện mặt bằng.
Ông Nick Bradstreet, Giám đốc bộ phận bán lẻ khu vực APAC của Savills
Do đó, vị chuyên gia cho rằng các chủ đầu tư cần chú ý xây dựng mặt bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh nhà phố bán lẻ, thị trường cũng cần bổ sung thêm trung tâm thương mại cao cấp tại khu vực trung tâm thành phố. Những dự án này cần được thiết kế và vận hành một cách chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các nhãn hàng quốc tế.
Theo ông, Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn trong Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. Ước tính của Statista cho thấy thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam trong năm nay tăng 34% so với năm 2021 và sẽ tiếp tục tăng trưởng 4% mỗi năm tới năm 2025.
Sức nóng của thị trường bán lẻ Việt Nam
Dù vậy, do số lượng cửa hàng chưa nhiều, ông Nick Bradstreet nhìn nhận cơ hội cho các nhãn hãng, thương hiệu đến Việt Nam và mở rộng thị trường vẫn còn lớn. Cùng với Thái Lan, Việt Nam đang là thị trường nổi bật tại Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu, đặc biệt là các công ty có văn phòng tại Singpapore, đang nghiên cứu cơ hội đầu tư tại đây.
Tuy nhiên, trong khi Thái Lan chịu ảnh hưởng đáng kể do vắng bóng khách quốc tế, thì nguồn cầu nội địa tại Việt Nam lại mạnh mẽ và ít phụ thuộc yếu tố nước ngoài. Khó khăn trong việc di chuyển quốc tế kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng người Việt.
Chuyên gia cho rằng Việt Nam có nguồn cầu nội địa mạnh mẽ, ít phụ thuộc yếu tố nước ngoài. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Một năm trở lại đây tại các thành phố lớn đang xuất hiện nhiều hơn các thương hiệu bán lẻ mở mới hoặc tăng số lượng cửa hàng. Phân khúc bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt và đang tiếp tục mở rộng.
Nguồn tin của Zing cho biết một thương hiệu F&B lớn thậm chí đang có kế hoạch tìm kiếm hàng trăm mặt bằng để mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.
Ở lĩnh vực thời trang, Uniqlo cũng vừa công bố sẽ ra mắt 3 cửa hàng mới tại các khu vực khác nhau của Hà Nội vào mùa thu đông năm nay. Hồi giữa năm, thương hiệu mới khai trương cửa hàng 3.000 m2 ở TP.HCM. Như vậy, chỉ sau 3 năm xuất hiện, Uniqlo đã sở hữu 15 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Còn hãng giày Berluti thuộc sở hữu của LVMH cũng mới khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, nối tiếp Louis Vuitton và Dior.
Trong khi đó, nhiều nhãn hàng mới lựa chọn gia nhập thị trường với các cửa hàng trực tuyến trước khi mở cửa hàng truyền thống như Sephora, Perfect Diary và Maje.
Theo thống kê của Savills, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình tại TP.HCM đang ở mức hơn 2,9 triệu đồng/m2/tháng, còn tại Hà Nội hơn 3 triệu đồng/m2/tháng.