Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương hiệu ngàn tỷ Vinashin sẽ đi đâu?

Trở về chức năng truyền thống với tên giao dịch mới SBIC, phần vốn góp bằng thương hiệu Vinashin tới 1.160 tỷ đồng, đang được chào bán liệu có nhà đầu tư (NĐT) nào muốn mua?

 Suốt 2 năm qua, Vinashin đã rao bán toàn bộ phần vốn góp vào 32 doanh nghiệp (DN) trước sự thúc ép phải thoái vốn, cắt bỏ các công ty "con, cháu" không thuộc ngành kinh doanh cốt lõi (đóng tàu, sửa chữa tàu). Trong số này, phần vốn góp bằng thương hiệu Vinashin lên tới hơn 1.160 tỷ đồng trong tổng số 1.741 tỷ đồng đã góp vốn. Đây quả là một thương hiệu "đắt giá" nhất nhì trong khối DN nhà nước.

Sợ "bóng ma Vinashin"?

Ngày 31/10/2013, Vinashin - tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu, đã chính thức bị "khai tử", kết thúc quá trình thí điểm mô hình tập đoàn đóng tàu đa ngành (năm 2006) vì hoạt động kém hiệu quả, mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng. Vinashin biến mất, thay vào đó là TCT Công nghiệp Tàu thủy ra đời với tên giao dịch quốc tế là SBIC, có vốn điều lệ là 9.520 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, SBIC sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con do Nhà nước nắm giữ 100% vốn tại công ty mẹ. SBIC sẽ tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính, bao gồm: đóng mới, sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi cùng với hoạt động tái chế, phá dỡ tàu cũ. Do đó, chỉ có 8 công ty đóng tàu chủ lực được giữ lại, như: Công ty Đóng tàu Phà Rừng, Đóng tàu Bạch Đằng, Đóng tàu Hạ Long, Đóng tàu Thịnh Long, Đóng tàu Cam Ranh, Đóng tàu Sông Cấm…

Chỉ có 8 công ty đóng tàu chủ lực được giữ lại.

Ngoài ra, SBIC vẫn được phép kinh doanh ở lĩnh vực cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, lai dắt tàu, xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu, sản xuất phụ trợ cho đóng và sửa chữa tàu…

Sự ra đi của Vinashin theo hình thức này, được các chuyên gia kinh tế đánh giá như một cách "cứu vãn danh dự" trong tình thế Vinashin đứng bên bờ vực phá sản, mất uy tín với quốc tế. Bởi năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã "khui" ra hàng loạt sai phạm trong đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả tại Vinashin, gây thất thoát nghiêm trọng vốn Nhà nước. Tính tới năm 2009, Vinashin lỗ gần 5.000 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 5.900 tỷ đồng và gánh khoản nợ lên tới 86.700 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD).

Trong khi ấy, tiền Nhà nước đầu tư cho Vinashin được huy động từ phát hành trái phiếu nước ngoài (750 triệu USD) và trái phiếu DN do Chính phủ bảo lãnh (3.000 tỷ đồng), cùng tiền vay nợ khắp nơi... Toàn bộ khối nợ này, đến giờ Vinashin vẫn chưa thể trả nổi, phải phát hành trái phiếu chuyển đổi để "câu giờ" từ các chủ nợ nước ngoài hoặc xin ngân hàng xóa nợ. Cái tên Vinashin đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của các chủ nợ, ngân hàng cho vay, mà còn là bài học xương máu của những quyết định đầu tư sai lầm.

Dù "thay tên, đổi họ", SBIC vẫn phải kế thừa các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty mẹ - Vinashin trong những nhiệm vụ còn dang dở. Nhất là nghĩa vụ trả nợ nước ngoài, nợ vay ngân hàng nội, cùng các khoản nợ thuế, chế độ cho người lao động… lên tới vài tỷ USD. Dĩ nhiên, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục "hậu thuẫn" cho SBIC trong kế hoạch "giải cứu" Vinashin.

Mất thương hiệu nghìn tỷ

Theo đề án tái cơ cấu Vinashin đã được Chính phủ phê duyệt, Hội đồng thành viên SBIC sẽ tiếp tục tổ chức sắp xếp lại 234 DN thuộc tập đoàn theo định hướng cổ phần hóa, bán vốn, chuyển giao, sáp nhập, giải thể, phá sản. Tháng 9 vừa qua, Bộ GTVT đã mở lối thoát cho Vinashin, nay là SBIC, trong vấn đề thoái vốn bằng hình thức giảm vốn điều lệ, bao gồm cả phần vốn góp thương hiệu. 105 DN do Vinashin sở hữu từ 10 - 80% vốn điều lệ sẽ được phép rút vốn thương hiệu, mà cách chuyển nhượng vốn thông thường đã rơi vào bế tắc.

Trong số này, chỉ riêng phần vốn góp thương hiệu Vinashin tại 32 DN được chào báo năm 2012 đã lên tới 1.160 tỷ đồng trên tổng số vốn góp 1.741 tỷ đồng. Có đơn vị như Công ty CP Công nghiệp nặng Cửu Long, Vinashin cho biết phần vốn thương hiệu của mình đã góp vào trị giá tới… 300 tỷ đồng.

Còn nhớ, năm 2011, khi hàng loạt sai phạm cùng kết quả kinh doanh bết bát của Vinashin bị đưa ra ánh sáng, đã có một số DN xin cởi bỏ "cái áo" Vinashin mà họ đã cố "khoác" cho bằng được để thuận đường làm ăn, vay vốn. Giờ DN muốn cởi ra vì tai tiếng của tập đoàn khiến họ khó vay vốn.

Các DN sở hữu thương hiệu nghìn tỷ đã không còn mặn mà với thương hiệu Vinashin, thì liệu những DN, NĐT khác có muốn bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để mua lại? Và dù có đồng ý mua, NĐT có thể sẽ yêu cầu định giá lại phần vốn thương hiệu mà Vinashin đã góp cho sát với giá trị thật hơn. Nhưng cơ sở nào để xác định giá trị thương hiệu Vinashin, cách thức giảm vốn điều lệ trong tình thế mù mờ về quy định pháp lý… sẽ là vấn đề khó cho cả người mua, kẻ bán.

Theo Thời báo Kinh doanh

Bạn có thể quan tâm