Vì sao Vinashin chuyển đổi thành tổng công ty? Có lẽ, đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Vinashin.
Ông Nguyễn Ngọc Sự. |
- Theo Kết luận số 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 90 của Chính phủ và Quyết định số 1224 của Thủ tướng Chính phủ kết thúc thí điểm hoạt động mô hình tập đoàn Vinashin, do hoạt động không hiệu quả nên tập đoàn Vinashin chuyển thành mô hình hoạt động tổng công ty như trước đây. Thực hiện Quyết định 3287, SBIC là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Tổng công ty hoạt động theo mô hình mới với chức năng cụ thể là gì, thưa ông?
- Khi giải quyết xong các thủ tục theo mô hình tập đoàn trước đây, dự kiến đầu năm 2014, tổng công ty mới hoạt động với chức năng tập trung chủ yếu vào ngành đóng tàu và sửa chữa tàu. Trong tương lai, chỉ giữ lại 8 nhà máy đóng tàu gồm: công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng, công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng, công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long, công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh, công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn và công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm.
Hiện nay, Vinashin còn khoảng trên 200 công ty. Tuy nhiên, đã tái cơ cấu được 51 công ty. Số doanh nghiệp còn lại sẽ được tái cơ cấu, bán, chuyển nhượng, phá sản, cổ phần hóa… tiếp. Nếu thuận lợi thì hết năm 2015 sẽ tái cơ cấu xong. Dù vậy, điều này còn phụ thuộc vào tình hình thị trường. Đây cũng là trở ngại lớn cho chúng tôi, bởi thị trường không tốt nên giá rất thấp, cùng với đó là các đơn vị này không hấp dẫn người mua vì tính chất ngành nghề hoạt động.
- Việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổng công ty, theo ông có khó khăn gì?
- Thị trường đóng tàu hiện nay nhìn chung đều khó. Nhưng theo tôi, với 8 đơn vị thì dễ giải quyết khó khăn hơn. Vừa qua chúng tôi đã sang Hà Lan đàm phán với Tập đoàn Đa men - Hà Lan, tập đoàn này sẵn sàng hợp tác toàn diện với 8 nhà máy. Họ sẽ mua cổ phần, còn lại họ sẽ chuyển tàu sang cho các đơn vị đóng dưới sự kiểm soát, chỉ đạo của các chuyên gia Tập đoàn Đa men.
Tập đoàn Đa men đã cam kết với chúng tôi, đến tháng 11/2013 sẽ sang Việt Nam giao thêm tàu cho công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long. Hy vọng, với sự góp mặt về quản lý, điều hành của Đa men thì các đơn vị trên sẽ thành công.
- Tái cơ cấu hoạt động theo mô hình mới chỉ còn 8 nhà máy thuộc tổng công ty, vậy liệu có quá ít không, thưa ông?
- 8 nhà máy đó nếu tính ra năng lực đóng tàu chiếm tới 70 đến 80% tổng năng lực đóng tàu của toàn quốc. Trước đây Vinashin có tới trên 200 doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp lại hoạt động không liên quan nhiều đến đóng tàu, mà số nhà máy đóng tàu cũng chỉ có tới trên 10 nhà máy, chiếm tới 80 đến 90% năng lực đóng tàu. Do đó, 8 nhà máy giữ lại là những nhà máy chủ lực của ngành đóng tàu trong nước. Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định chuyển đổi này, chúng tôi sẽ tiến hành làm mọi thủ tục sớm, dự kiến đầu năm 2014 ra mắt Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, với hy vọng cánh cửa mới sẽ mở ra cho ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam mạnh mẽ hơn.
-Trong thời gian ông về kế nhiệm cuối năm 2010, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tập đoàn nợ nần chồng chất, đến nay các khoản nợ đã được giải quyết như thế nào?
- Các khoản nợ cơ bản đã giải quyết xong, vì tổng số nợ của toàn tập đoàn trước khi tôi về lên tới trên 80.000 tỷ đồng (tương đương với hơn 4 tỷ USD). Theo chương trình tái cơ cấu, đến nay chỉ còn gói nợ cuối cùng là khoảng 18.000 tỷ đồng nợ trong nước -số nợ này sẽ cơ bản được giải quyết vào cuối năm 2013, cùng lắm đầu năm 2014 phải xử lý xong, bằng cách tái cơ cấu lại phát hành trái phiếu mới. Nếu không tái cơ cấu nợ xong mà khoản nợ trên 18.000 tỷ còn nguyên thì mỗi một ngày Vinashin phải gánh lãi phát sinh trên số nợ đó tối thiểu 20 tỷ/ngày (tương đương 1 triệu USD/ngày), một năm là 360 triệu USD. Bên cạnh đó, vừa qua Vinashin đã phát hành trái phiếu Quốc tế với 600 triệu USD để tái cơ cấu. Nếu tái cơ cấu xong thì khoản nợ nước ngoài từ trước tới nay là xóa hết. Bước đầu, Vinashin đã thành công trong việc phát hành trái phiếu để tái cơ cấu. Đây là mô hình thành công đầu tiên tại Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung.