Doanh nghiệp nhà nước cũng phải cạnh tranh bình đẳng
- Tái cơ cấu, tái cấu trúc, tái sắp xếp, có quá nhiều thuật ngữ đang được nói đến. Ông có thể nói rõ với cử tri là chúng ta đang làm cái gì và đến giờ kết quả ra sao?
- Tái cơ cấu là cơ cấu chưa hợp ly, cần thay đổi để khắc phục tồn tại của nền kinh tế. Trước mắt tập trung vào 3 lĩnh vực. Thứ nhất: Phân bổ nguồn vốn. Thứ hai: Vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là tập đoàn. Thứ ba: Hệ thống tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại. Cả 3 khu vực này hiện đang ách tắc, nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác được.
Trong lĩnh vực DNNN, đặc biệt là tập đoàn, phát triển quá nhanh, chưa được chuẩn bị, tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt vấn đề quản lý tài chính, hiệu quả kinh tế không đáp ứng, thậm chí có những chỗ làm tổn hại cho nền kinh tế mà Vinalines, Vinashin là những ví dụ điển hình. Những tập đoàn này trước đây chúng ta làm theo nguyên tắc gộp lại, tính liên kết không cao, chưa có chuẩn bị, thậm chí chưa có lý thuyết lý luận, không theo quy luật liên kết từ dưới lên mà chụp từ trên xuống. Bây giờ phải sắp xếp lại cho hoạt động theo đúng quy luật kinh tế, khắc phục khiếm khuyết do quản lý yếu kém gây ra...
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm. |
- Cái lớn nhất là chúng ta phải tạo nên một thể chế, quy luật bình đẳng. Doanh nghiệp (DN) nhà nước cũng như DN bình thường phải đảm bảo sức cạnh tranh, có hiệu quả, như vậy phải cắt những khoản ưu tiên, ưu đãi không hợp lý, tạo cạnh tranh không bình đẳng. Bên cạnh đó phải có sự chặt chẽ trong quản lý hệ thống DN này. Thước đo phải được đặt ra cho nó chính là hiệu quả kinh tế, sự đóng góp cũng như hiệu quả của đồng vốn, chi phí, sức cạnh tranh.
Ra ngõ gặp ngân hàng: Thị trường tài chính tiền tệ bị làm méo mó
- Trong khi nguồn vốn có hạn thì lại xuất hiện quá nhiều ngân hàng mà người dân vẫn gọi là “ra ngõ gặp ngân hàng”, đề án tái cơ cấu giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua ngân hàng phát triển quá nhanh, chưa được chuẩn bị, chất lượng một số ngân hàng (NH) chưa đảm bảo, nên gây ra những tình trạng làm méo mó thị trường tài chính tiền tệ, tạo ra sự ganh đua không hợp lý, như mặt bằng lãi suất, gây rủi ro từ các NH yếu kém đến gây rủi ro nền kinh tế, cho DN cũng như cho cả hệ thống NH.
Những điểm gây rủi ro rõ ràng cần sắp xếp lại. Còn câu chuyện tiền huy động NH tăng trên 12%, trong khi tiền huy động tín dụng chỉ khoảng 6%, tức là tiền đọng lại trong hệ thống NH, theo tôi, chúng ta phải đẩy sức mua lên, đẩy tổng cầu lên để DN có khả năng có thể hấp thụ được nguồn vốn. Thứ hai, NH cũng phải linh hoạt để giúp DN thoát ra, ví dụ tài sản thế chấp, nợ xấu, nợ quá hạn có thể căn cứ vào tín chấp để xem xét, tạo niềm tin, cùng sửa chữa giải quyết.
- Vụ “bầu Kiên”, có Đại biểu Quốc hội đã nhận định đây không phải là cá biệt. Từng là Thống đốc ông thấy nhận định này có đúng không?
- Điều này hoàn toàn đúng. NH có những khiếm khuyết trong sở hữu chéo. Người ta thành lập ra công ty con, vay, tham gia lẫn nhau, sự thực thì họ đã lợi dụng nguồn vốn của xã hội để phục vụ cho lợi ích cá nhân, không an toàn, làm cho nguồn vốn không vào đúng chỗ, tạo nên lợi ích cục bộ... Những cái này làm cho bản thân NH rất gay go. Với NH cần phải thực hiện sở hữu chéo. Nếu không vì lợi ích cục bộ, thì có thể khai thác mặt tích cực của nó. Tồn tại trong NH thì có. Giờ phải xác định cái này do cơ chế, hay do cố tình làm vậy, cần phải phân biệt để chúng ta xử lý cho hiệu quả.
- Như vậy nếu tái cấu trúc ngân hàng được làm một cách nghiêm túc, sẽ lại có những trường hợp như Nguyễn Đức Kiên?
- Nếu làm nghiêm túc, tất nhiên sẽ vạch ra nhiều khuyết điểm của các ngân hàng cụ thể. Chúng ta đang làm và dứt khoát phải xử lý vấn đề sở hữu chéo. Thực ra sở hữu chéo cũng có những điểm tốt, trừ phi nó bị lợi dụng phục vụ cho những mục đích riêng. Vừa rồi rõ ràng có những mặt không tích cực đã được phát hiện.