Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực phẩm bẩn vào siêu thị

Hà Nội và TP HCM được thí điểm lập tổ kiểm tra an toàn thực phẩm cấp xã, và có quyền xử phạt lên tới 2,5 triệu đồng.

Nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm ngoài đường bằng cách vào các siêu thị, vì tin rằng hàng siêu thị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng trong một số siêu thị làm người dân bất an.

Rau, thịt bẩn có mặt tại nhiều siêu thị

Ngày 8/2, PV Pháp Luật TP HCM đã theo chân đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Ất Mùi đến kiểm tra một số siêu thị ở Hà Nội. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến nhãn mác, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.

Ở siêu thị Lan Chi (Sơn Tây), đoàn kiểm tra phát hiện siêu thị bán sản phẩm hạt thông (được cho là đặc sản Đà Lạt) trên bao bì không ghi ngày sản xuất, không ghi thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm còn ghi có công dụng “chống ung thư và tiểu đường” có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Siêu thị này cũng bán sản phẩm đào Sa Pa nhưng không ghi tên nhà sản xuất (ghi là sản phẩm của Trung Quốc). Tại thời điểm kiểm tra, siêu thị không xuất trình được giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hợp đồng mua bán với nhà cung cấp. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu siêu thị tạm thời thu hồi và không bán hai loại sản phẩm trên.

Ở siêu thị Lotte Mart (Ba Đình), đoàn kiểm tra phát hiện tại khu vực kho có một túi phụ gia thực phẩm trọng lượng 7 kg đã hết hạn sử dụng, không có cảnh báo chờ tiêu hủy. Đoàn đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ túi phụ gia.

Đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về ATTP lấy mẫu test nhanh một số sản phẩm bày bán trong siêu thị.

Đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về ATTP lấy mẫu test nhanh một số sản phẩm bày bán trong siêu thị.

Tại siêu thị VinMart Royal City (Thanh Xuân), đoàn kiểm tra ATTP đã phát hiện 13 loại rau bán tại siêu thị không có nhãn mác. Siêu thị không giải trình được nguồn gốc rau được siêu thị cho… là sạch. Đặc biệt, đoàn kiểm tra đã phát hiện 12 kg đùi gà không đạt tiêu chuẩn; thịt trâu, bò chưa có dấu kiểm dịch thú y. Tại thời điểm kiểm tra siêu thị chưa xuất trình hợp đồng mua bán thực phẩm với nhà cung cấp. Đoàn đã tịch thu toàn bộ các lô hàng trên để chờ xử lý.

Có thể rút giấy phép kinh doanh

Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), nguồn gốc của sản phẩm là tiêu chí rất quan trọng, qua đó cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm an toàn. Trường hợp siêu thị bày bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng thì sẽ bị xử phạt tùy mức độ sai phạm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực phẩm và có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận người dân vẫn chưa an tâm, chưa hài lòng về vấn đề ATTP. Ông Long cho biết trong thời gian tới, nhất là thời điểm cận Tết, sẽ mạnh tay với các cơ sở làm ăn gian dối, sẽ công khai những nơi này để người dân tẩy chay các sản phẩm không an toàn. “Quan điểm của ban chỉ đạo trung ương về ATTP là kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, nếu còn tái diễn sẽ rút giấy phép kinh doanh, công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân biết”, ông Long nhấn mạnh.

Hà Nội, TP HCM: Cấp xã được quyền phạt thực phẩm bẩn

Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã đồng ý đề án thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, xã, phường ở hai TP lớn là Hà Nội và TP HCM. Các đội, tổ thanh tra chuyên ngành ATTP được tổ chức trên cơ sở biên chế hiện có của các ngành y tế, công thương, công an. Lực lượng này được giao chức năng thanh tra chuyên ngành ATTP, được xử phạt hành chính đến 20 triệu đồng (cấp quận, huyện) và 2,5 triệu đồng (cấp xã, phường). Tiền thu phạt vi phạm hành chính về ATTP được giữ lại 50% để chi cho hoạt động bảo đảm ATTP tại cấp quận, huyện, xã, phường.

“Trước đây, tuyến xã, phường hầu như không có lực lượng thanh tra. Các đơn vị không có quyền được thanh tra nhưng bây giờ mỗi xã, phường có một tổ có nhiệm vụ thanh tra ATTP và được xử lý vi phạm, qua đó gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc đảm bảo ATTP trên địa bàn. Đây là điểm mới được thực hiện từ năm nay”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Trong giai đoạn 2015-2016, TP Hà Nội và TP HCM sẽ lựa chọn năm quận, huyện và 10 xã, phường để thí điểm. Giai đoạn 2017-2020 sẽ triển khai trên toàn bộ địa bàn.

TP HCM: Thực phẩm bẩn cũng có mặt trong siêu thị

Tại TP HCM, khảo sát do Viện Y tế công cộng TP HCM (Bộ Y tế) thực hiện cuối năm 2014, cho thấy nhiều thực phẩm không đạt chất lượng được bày bán ở một vài siêu thị. Đáng lưu ý đây là các thực phẩm được mua sắm nhiều trong những ngày cuối năm như chả lụa, dăm bông, chà bông, bò viên, khô bò, khô cá các loại, cá viên, muối tôm, tương ớt, sa tế, củ hành, ô mai… Thực phẩm chưa an toàn vào siêu thị khiến người tiêu dùng thực sự hoang mang. Được biết thời gian qua liên sở Y tế và Công thương TP HCM đã rà soát để chấn chỉnh các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh bày bán trong các siêu thị.

Lại nóng an toàn thực phẩm cuối năm

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa của người dân Thủ đô Hà Nội tăng cao. Là cơ hội cho "điểm đen" mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoành hành.

http://phapluattp.vn/kinh-te/thuc-pham-ban-vao-sieu-thi-530513.html

Theo Huy Hà/Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm