Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không kiểm soát được giết mổ, thực phẩm bẩn đến thẳng chợ

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Vậy vai trò của các cơ quan chức năng đang ở đâu trước thực trạng này?

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP HCM về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào chiều 27/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn không phải của riêng một bộ, ngành, địa phương nào. Đây là vấn đề lớn không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người dân, mà còn liên quan đến hội nhập và xuất khẩu”. Rõ ràng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Vậy vai trò của các cơ quan chức năng đang ở đâu trước thực trạng này?

Kiểm soát thú y còn bỏ ngỏ

Theo số liệu thống kê, địa bàn TP.Hà Nội hiện đang còn khoảng 2.491 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường. Theo Chi cục Thú y Hà Nội, hiện các điểm, hộ giết mổ thủ công nhỏ lẻ lấy nguồn hàng từ các tỉnh lên tới 90% số thịt trâu bò, 73% số thịt lợn và 68,6% số thịt gia cầm. 

Như vậy, 68,6 - 73% nhu cầu thịt của người dân TP.Hà Nội được cung cấp từ các tỉnh lân cận và từ chính các điểm giết mổ nhỏ, lẻ - điều đáng báo động về vệ sinh thú y như đã nêu ở trên. Đồng nghĩa với đó là tình trạng kiểm soát giết mổ (lăn dấu) tại điểm mổ nhỏ, lẻ không có, lượng thịt, phụ phẩm này được đưa thẳng tới chợ mà không qua khâu kiểm soát giết mổ.

Tại phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) nơi được coi là điểm tập trung lò giết mổ tự phát cung cấp thịt và phụ phẩm cho TP.Hà Nội, trong vai người đi mua thịt về bán lẻ chúng tôi gặp được chủ lò mổ nằm ngay khu vực đầu cầu Dương Nội. Chủ lò mổ cho biết, mỗi ngày giết mổ gần 20 con lợn cung cấp cho các tiểu thương khu vực như Mỹ Đình, Thanh Xuân Bắc, Cầu Giấy… 

Giết mổ gia cầm tại chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội).

Giết mổ gia cầm tại chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội).

Qua quan sát, chúng tôi thấy lợn sống được tập kết ngay tại khu vực giết mổ. Chủ lò cùng với 3 người nữa đi ủng, tay cầm dao thoăn thoắt từ chọc tiết, làm lông đến pha thịt, tất cả được thực hiện dưới nền nhà xi măng. Thịt lợn sau khi được giết mổ, “pha” từng miếng và cả lục phủ ngũ tạng cũng vứt luôn trên nền nhà. Khách lấy phụ phẩm quen đến nhặt từng bộ lòng trong đống rác thải, chỉ cần giội qua nước là thành... sản phẩm sạch.

Nói về tình trạng giết mổ mất vệ sinh trên địa bàn quận tồn tại chưa được giải quyết, ông Nguyễn Đình Tiến - Trạm trưởng Trạm thú y Hà Đông, cho biết: “Hiện trên địa bàn phường Dương Nội vẫn còn các điểm giết mổ tự phát mà lực lượng thú y chưa kiểm soát giết mổ (lăn dấu), vệ sinh thú y không đảm bảo, vì các điểm này hoạt động theo mô hình hộ giết mổ như nhà ông Sinh (tổ dân phố Hoàng Văn Thụ), hộ nhà ông Học (tổ dân phố Trung Kiên)…”. 

Được biết, trên địa bàn huyện Thạch Thất có 165 điểm giết mổ nhỏ lẻ, nhiều điểm sau khi bị xử lý đã khắc phục, nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Ông Nguyễn Huy Đáng - Trạm trưởng Trạm thú y Thạch Thất, chia sẻ: Chúng tôi yêu cầu các chủ điểm giết mổ cam kết kiểm soát nguồn hàng. Do hoạt động nhỏ, lẻ, giết mổ dưới 10 con chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, vì vậy, lực lượng thú y chưa thực hiện được kiểm soát (lăn dấu) tại điểm giết mổ. Tình trạng ô nhiễm tại các điểm giết mổ tự phát là khó tránh khỏi.

Thực phẩm và phụ phẩm bẩn gia tăng

Theo nhận định của cơ quan chức năng thì lượng gia súc, gia cầm tập kết về lò mổ trong tháng Tết sẽ tăng khoảng 15 - 20% so với nhu cầu tháng trước đó. Theo đó, hoạt động buôn bán, vận chuyển đối với thực phẩm và phụ phẩm bẩn sẽ tăng theo. Ở TP. HCM, tại các trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (cửa ngõ miền Đông), Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh (cửa ngõ miền Tây) trong tuần phát hiện và xử lý 22 trường hợp vận chuyển thực phẩm, với số tang vật vi phạm thu giữ lên tới hàng chục tấn các loại chân, gân bò, dê, trâu, bò, gia cầm… 

Chi cục Thú y TP. HCM còn lập đoàn đi kiểm tra tại các cơ sở giết mổ và thu giữ, tiêu hủy 2.879kg phụ phẩm heo, 198 con gà chết; xử lý nhiệt 89 con heo,… còn tại các chợ đoàn kiểm tra cũng phát hiện gần 699kg thịt heo, bò và lục phủ ngũ tạng heo, bò không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, cho biết, trong tuần có nhiều vụ vận chuyển động vật không đúng quy định và không có giấy phép kinh doanh đã bị các trạm thú y xử lý. Từ nay đến Tết tình hình vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật từ các tỉnh vào thành phố dự báo sẽ tăng.

Với đặc thù các lò mổ trên địa bàn TP HCM là lò mổ công nghiệp, nên thay vì tình trạng lò, điểm giết mổ nhỏ, lẻ như ở Hà Nội, tình trạng vận chuyển thực phẩm “bẩn” (không kiểm soát giết mổ, hàng hóa không hóa đơn chứng từ…) vào thành phố, nếu lọt qua cửa kiểm tra của lực lượng chức năng sẽ tiến thẳng tới chợ hoặc qua các kho lạnh quay vòng rồi đưa ra tiêu thụ. Đây cũng là một nguồn thực phẩm, phụ phẩm đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, hiện mức xử phạt vi phạm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đủ để răn đe, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn bất chấp, chấp nhận phạt và tiếp tục hoạt động vì lợi nhuận từ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm còn cao hơn mức tiền phạt. “TP cần ký kết các hợp đồng giữa các cơ quan với tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm, nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm thì phạt dựa trên việc vi phạm hợp đồng ký kết. Về lâu dài thì kiến nghị sửa luật để phù hợp, vì làm gì thì làm, sức khỏe của người dân vẫn là quan trọng nhất”, ông Quân trình bày.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: TP HCM cần thành lập các chuỗi thực phẩm an toàn từ khâu sản xuất, lưu hành đến tiêu thụ. TP lập các phòng xét nghiệm an toàn thực phẩm, mà trước hết là tập trung vào chợ đầu mối và siêu thị. Nếu các đồng chí lo về biên chế, kinh phí thì chúng ta có thể xã hội hóa, và những ai buôn bán ở chợ sẽ trả chi phí đó. Chúng ta đừng lo mức xử phạt thấp hay nhiều, vì khi chỉ cần phát hiện mối nào vi phạm thì tự động người ta sẽ tẩy chay. Nơi nào làm tốt thì nơi đó đỡ khổ sau này.

Lê Tuyết (ghi)

Nguồn gốc thịt lợn: Vừa ăn vừa sợ

“Nhiều bạn tôi than rằng bây giờ nhìn đâu cũng thấy thịt bẩn, ăn thì có thể chết vì ngộ độc nhưng không ăn thì chết đói nên cũng đành liều chứ biết làm sao?”, chị Nhung than thở.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/khong-kiem-soat-duoc-giet-mo-thuc-pham-ban-den-thang-cho-292121.bld

Theo Nhóm PV Kinh Tế/ Lao Động

Bạn có thể quan tâm