Việc truy vết quyết liệt và minh bạch thông tin về các ca mắc Covid-19 đã giúp Hong Kong kiểm soát 3 làn sóng lây nhiễm.
Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm gần nhất đã hướng sự chú ý vào các gia đình giàu có và người có vai vế trong xã hội. Những người này có một thú vui bí mật: khiêu vũ.
Một nhân viên y tế cầm biển hướng dẫn cho những người tham gia các câu lạc bộ khiêu vũ đi xét nghiệm Covid-19. Ảnh: South China Morning Post. |
Minh bạch thông tin là chìa khóa chống dịch
Hong Kong công bố nhiều thông tin về các ca nhiễm. Trong khi đó, với những nơi có số người mắc Covid-19 cao như Mỹ, việc đưa ra lịch sử truy vết của mọi ca bệnh là chuyện gần như bất khả thi.
Hàng ngày, chính quyền Hong Kong đưa ra danh sách bao gồm giới tính, độ tuổi và khu nhà các ca nhiễm mới sinh sống. Bên cạnh đó, họ cũng liệt kê những địa điểm người bệnh đã đi qua.
Việc minh bạch thông tin đã giúp nhiều người nhận biết được ca bệnh. Các thông tin này cũng được lan rộng trên truyền thông địa phương và mạng xã hội. Vài người còn biến việc xác định người nổi tiếng mắc Covid-19 thành thú vui.
Tháng 11/2020, Hong Kong phát hiện ổ dịch mới gồm hơn 720 ca nhiễm. Trong số đó, một người phụ nữ 75 tuổi đam mê khiêu vũ là ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận.
Điều này khiến cộng đồng người thích khiêu vũ thành đối tượng bị chỉ trích. Họ bị cho là góp phần làm virus lây lan khi tiếp xúc gần với bạn nhảy trong thời gian dài mà không đeo khẩu trang.
Dance Star Academy, một câu lạc bộ khiêu vũ trở thành ổ dịch Covid-19 ở Hong Kong. Ảnh: Wall Street Journal. |
Hình ảnh các ngôi sao mặc trang phục khiêu vũ trong những bữa tiệc tối bắt đầu xuất hiện trên báo địa phương. Bên cạnh đó, video về những người phụ nữ lớn tuổi khiêu vũ với các chàng trai trẻ cũng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Chính quyền Hong Kong sau đó yêu cầu bất cứ ai từng đến một trong 21 câu lạc bộ khiêu vũ có người mắc Covid-19 đi xét nghiệm. Khiêu vũ và các buổi biểu diễn trực tiếp cũng bị cấm ở nhiều nơi từ ngày 21/11/2020.
King Tseng, một phụ nữ 65 tuổi về hưu, từng thường xuyên đi tập nhảy vào các buổi trưa và chiều. Bà nói mình hay thuê giáo viên dạy nhảy nam từ Trung Quốc đại lục. Cũng như bạn bè của mình, bà Tseng giấu gia đình khi tham gia các hoạt động này.
“Vì khiêu vũ cần sự tiếp xúc thể xác, đàn ông không muốn vợ mình nhảy với người đàn ông khác. Nhưng nhảy với phụ nữ thì không vui chút nào”, bà Tseng nói với Wall Street Journal.
Thú vui bí mật
Trước khi dịch bùng phát, ít người Hong Kong biết về chuyện xảy ra trong các phòng khiêu vũ.
Năm 2006, công chúng có cái nhìn đầu tiên về sở thích kỳ lạ này của giới nhà giàu qua một vụ kiện của Mimi Monica Wong, Giám đốc Kinh doanh của ngân hàng HSBC lúc bấy giờ.
Theo đơn kiện, bà Wong đã chi 15 triệu USD để một cặp vợ chồng Anh - Italy dạy nhảy trong 8 năm. Góa phụ mê khiêu vũ này lúc đó nói bà đang “tìm kiếm chút hào quang cuối cùng trong đời”.
Từ các phòng tiệc lấp lánh đèn chùm nhìn ra cảng Victoria đến sàn nhảy tạm bợ trong những tòa nhà tồi tàn, Hong Kong có nhiều địa điểm khiêu vũ rải rác. Một số sàn nhảy dành cho các bà vợ siêu giàu, những người được gọi là “thái thái” trong tiếng Quảng Đông.
Các câu lạc bộ khiêu vũ là thế giới bí mật của người giàu Hong Kong. Ảnh: The Standard. |
Một số người dùng mạng xã hội chỉ ra trong danh sách ca nhiễm liên quan tới sàn nhảy, đa số phụ nữ mắc Covid-19 ở độ tuổi 60. Trong khi đó, những người đàn ông nhiễm virus lại trẻ hơn. Điều này khiến nhiều người ngờ rằng các mối quan hệ ở sàn nhảy vượt ra ngoài quan hệ thầy trò.
Đối với cộng đồng khiêu vũ, các tin đồn này tạo ra hình ảnh xấu về hoạt động nghiêm túc đòi hỏi sức bền của họ.
Nhiều người lớn tuổi xem khiêu vũ là cách tập thể thao hiệu quả, George Yip, Chủ tịch Hiệp hội Dancesport Hong Kong, cho biết.
Những người đam mê khiêu vũ thường thuê giáo viên làm bạn nhảy nếu bạn đời của họ không có cùng sở thích.
Rất khó để cân bằng giữa quyền được cung cấp thông tin của công chúng và quyền riêng tư của mỗi cá nhân, ông Yip nói thêm.
“Việc công bố ổ dịch ở sàn nhảy có thể hữu ích để nhắc những người thích khiêu vũ rằng khả năng bị nhiễm bệnh khi nhảy là rất cao. Tuy nhiên, nếu quá nhiều thông tin cá nhân của bệnh nhân bị tiết lộ, người bệnh có thể không dám nói thật về lịch sử đi lại của họ", ông nói.
Trong làn sóng lây nhiễm thứ tư, Hong Kong vẫn giữ được số ca nhiễm ở mức thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Những tuần gần đây, đặc khu có hơn 7 triệu dân này ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Bác sĩ Joseph Tsang Kay-yan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nói rằng ở nơi đông dân như Hong Kong, truy vết người bệnh là chìa khóa để chống lại virus. Người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 bắt buộc phải xét nghiệm và thường được đưa đến các trung tâm cách ly do chính quyền điều hành trong 14 ngày.
Dance Concept Studios, một trong 21 câu lạc bộ khiêu vũ bị ảnh hưởng trong làn sóng lây nhiễm mới nhất của Hong Kong. Ảnh: Wall Street Journal. |
Bằng cách công bố một số chi tiết nhất định của các ca nhiễm, nhà chức trách có thể nâng cao nhận thức chung về các ổ dịch. Họ cũng có thể loại bỏ “điểm mù” cho các quan chức y tế theo dõi dịch bệnh, bác sĩ Tsang nói.