Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị Mỹ cấm vận, tiền lương quan chức Hong Kong chảy về túi vợ

Cuộc sống của hàng loạt quan chức Hong Kong bị đảo lộn sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố, khiến họ mất toàn bộ tài khoản và thẻ ngân hàng.

Hàng tháng, tiền lương của Ủy viên cảnh sát đặc khu hành chính Hong Kong Chris Tang đều đặn được đổ vào tài khoản ngân hàng của vợ. Vợ của ông Tang sẽ thanh toán mọi khoản chi tiêu trong gia đình, trả cước điện thoại của chồng và thanh toán hóa đơn mỗi khi ăn nhà hàng.

Tang là một trong 29 quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu của Hong Kong và Trung Quốc đại lục nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong ngày 31/6, South China Morning Post cho biết.

My trung phat quan chuc Hong Kong anh 1

Ủy viên cảnh sát Chris Tan là một trong 29 quan chức nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Ảnh: SCMP.

Các ngân hàng quay lưng

Biện pháp trừng phạt của Washington khiến các quan chức không thể tiếp cận tài sản tại Mỹ, đồng thời các ngân hàng và doanh nghiệp bị cấm làm ăn hoặc cung cấp dịch vụ cho những người này.

Từ tháng 10, các ngân hàng tại Hong Kong đã đề nghị những quan chức bị trừng phạt đóng tài khoản, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo hoặc ngừng giao dịch với người nằm trong danh sách đen, hoặc chính tổ chức tài chính này sẽ "lãnh đủ".

Trong danh sách quan chức Hong Kong bị trừng phạt có cả các lãnh đạo đặc khu như Trưởng đặc khu Carrie Lam, Thư ký Tư pháp Teresa Cheng, Thư ký An ninh John Lee, Thư ký Hiến pháp và quan hệ Đại lục Erick Tsang.

Các quan chức Đại lục nằm trong danh sách đen của Mỹ gồm Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Vương Trần, Phó viện trưởng Viện kiểm sát Tào Kiến Minh, hay Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia phụ trách Hong Kong Trịnh Nhạn Hùng.

Tại Hong Kong, đa phần ngân hàng đều là các tập đoàn quốc tế. Vì vậy, trước sức ép từ lệnh cấm vận của Washington, những tập đoàn này buộc phải ngừng dịch vụ, khiến các quan chức Hong Kong bị từ chối tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Trưởng đặc khu Carrie Lam cho biết không còn tài khoản ngân hàng. Bà Lam hiện phải nhận lương bằng tiền mặt và giữ ngay tại nhà riêng.

Một quan chức cấp cao giấu tên cho biết bị buộc phải đóng tài khoản. Toàn bộ tiền tiết kiệm của ông đã được chuyển sang tài khoản của vợ.

Chỉ hai ngày sau khi tên quan chức này bị đưa vào danh sách trừng phạt, một ngân hàng Mỹ tại Hong Kong gửi thư thông báo dịch vụ thẻ tín dụng của ông bị hủy bỏ. Ngân hàng liên hệ trực tiếp và "tư vấn" quan chức nêu trên đóng tài khoản.

Trong cuộc họp sau đó, phía ngân hàng bày tỏ lo ngại sẽ trở thành đối tượng trừng phạt nếu còn tiếp tục làm ăn với quan chức Hong Kong.

"Với lệnh trừng phạt ấy, họ cũng là nạn nhân và không có lựa chọn nào khác ngoài đóng tài khoản của tôi", quan chức Hong Kong nói.

Đảo lộn cuộc sống

Cuộc sống của các quan chức Hong Kong đã thay đổi đáng kể từ khi bị từ chối các dịch vụ ngân hàng.

"Không có thẻ tín dụng hay tài khoản thanh toán điện tử, tôi phải dùng tiền mặt khi mua sắm hoặc ăn uống bên ngoài, trừ khi có vợ đi cùng. Cuộc sống thường ngày của tôi giờ nhờ cả vào bà ấy", một quan chức cho biết.

Các quan chức nằm trong danh sách trừng phạt được lựa chọn nhận lương bằng tiền mặt, hoặc chuyển vào tài khoản thành viên gia đình, hoặc để chính phủ giữ hộ và trả sau này khi họ cần đến.

Một quan chức khác nói ngân hàng không yêu cầu ông đóng tài khoản ngay sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố, nhưng ông không thể thanh toán trực tuyến, chuyển tiền ra nước ngoài, hay sử dụng thẻ tín dụng. Chỉ đến tháng 10, khi có cảnh báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, ngân hàng mới đóng tài khoản của quan chức nêu trên.

Các quan chức tin rằng lệnh cấm vận của Mỹ gây áp lực lên tất cả các tổ chức tài chính có hoạt động hoặc kinh doanh tại Mỹ.

My trung phat quan chuc Hong Kong anh 2

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam nhận toàn bộ tiền lương bằng tiền mặt. Ảnh: SCMP.

Truyền thông Hong Kong cho biết lệnh trừng phạt đã khiến một số quan chức phải thanh toán toàn bộ các khoản thế chấp bởi giờ không được tiếp cận dịch vụ cho vay của ngân hàng. Những người này gồm Ủy viên cảnh sát Tang cùng các cộng sự ở sở cảnh sát như Phó ủy viên Edwina Lau hay chỉ huy cấp cao Steve Li.

Theo South China Morning Post, đại diện đặc khu hành chính Hong Kong đã nhắc nhở các ngân hàng thường xuyên đánh giá mọi nguy cơ trong lĩnh vực kinh doanh, có các biện pháp quản trị rủi ro phù hợp và đối xử với khách hàng công bằng.

Khi được hỏi đã giải quyết vấn đề lệnh cấm vận với một số quan chức như thế nào, ngân hàng quốc tế Standard Chartered cho biết tổ chức này "giám sát chặt chẽ tình huống và cam kết tuân thủ mọi luật lệ, quy định và nguyên tắc tại những thị trường" họ hoạt động.

Trong khi đó, ngân hàng HSBC, nhà cung cấp dịch vụ vay nợ lớn nhất ở Hong Kong, và Bank of China từ chối trả lời câu hỏi.

Các quan chức Hong Kong thừa nhận bất tiện vì không còn tài khoản hay thẻ ngân hàng tạo ra những điều phiền toái. Một số tỏ ra ấm ức vì trở thành đối tượng bị trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, Thư ký An ninh đặc khu John Lee tuyên bố lệnh cấm vận của Mỹ sẽ không khiến quan chức này lùi bước.

"Cái gọi là lệnh trừng phạt do chính phủ Mỹ đơn phương áp đặt cho thấy sự bá quyền và tiêu chuẩn kép của Mỹ. Tôi sẽ không bị đe dọa bởi lệnh trừng phạt này", ông Lee nói.

Trung Quốc trừng phạt nghị sĩ Mỹ, ngưng miễn visa với nhà ngoại giao

Trung Quốc sẽ cấm vận một số cá nhân Mỹ, bao gồm thành viên quốc hội, cũng như hủy bỏ chế độ miễn visa vào Hong Kong, Macau vốn dành cho viên chức ngoại giao Mỹ.

'House of Cards' cũng không kịch tính bằng Nhà Trắng thời Trump

Lối hành xử của Tổng thống Trump và đội ngũ thân cận trong chính quyền phần nào giúp công chúng nhìn rõ những thời khắc lộn xộn nhất ở Nhà Trắng.

Ngoại trưởng Ấn Độ: Khi tranh chấp, tình bạn với TQ là phi thực tế

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói quan hệ song phương với Trung Quốc không thể cải thiện nếu tranh chấp biên giới chưa được giải quyết hòa bình.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm