Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thư viện Quốc gia Pháp tri ân dịch giả Dương Tường

Mới đây, Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale de France) đã đăng bài tưởng niệm nhà thơ - dịch giả Dương Tường, ca ngợi sự dấn thân trong nghệ thuật của ông.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Ảnh: Y.N.

Ông Dương Tường qua đời ngày 24/2, khiến cho giới yêu văn chương khắp nơi thương tiếc. Ông là nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật, nhà báo và đặc biệt là một "dịch giả văn chương lỗi lạc của Việt Nam". Tự học tiếng Pháp và tiếng Anh, ông đã dịch khoảng 60 tác phẩm sang tiếng Việt. Năm 2020, ông dịch truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh.

Bài viết của Thư viện Quốc gia Pháp nhấn mạnh sự dấn thân của dịch giả Dương Tường từ khi còn trẻ và những nghiên cứu, tìm tòi của ông trong thơ ca, gọi ông là một dịch giả lớn và người có đóng góp tích cực đến văn chương và mỹ thuật đương đại.

Một đoạn tường thuật về cuộc đời ông Dương tường được nêu như sau:

"Dương Tường sinh ngày 4/8/1932 tại tỉnh Nam Định. Ông đã bỏ dở việc học, tham gia Việt Minh. Năm 17 tuổi, ông chính thức gia nhập quân đội. Sau năm 1955, ông xuất ngũ, làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Từ 1967, ông làm phiên dịch viên cho Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Từ đó, ông chuyên tâm viết, chủ yếu là dịch văn chương và sáng tác thơ".

Với thơ ca, Thư viện Quốc gia Pháp đặt ông cạnh Lê Đạt, Trần Dần và Đặng Đình Hưng. Dương Tường đã tìm cách khai thác tiềm năng ngôn ngữ và các cách thức biểu đạt khác nhau. Ông sáng tác bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tạo tính nhạc, kết hợp với hiệu ứng thị giác của năng biểu, bỏ qua sở biểu.

Thơ của Dương Tường được cho là chịu ảnh hưởng nhiều từ Hồ Xuân Hương (về sự hài hòa giữa âm thanh và hình ảnh), từ Oulipi (về mặt thể nghiệm), từ Paul Verlaine (về mặt giai điệu). Trong thơ thị giác, Guillaume Apollinaire và Edward Estlin Cummings là hai nguồn cảm hứng chính.

Ở khía cạnh dịch thuật, Thư viện Quốc gia Pháp ghi nhận sự sáng tạo trong ngôn ngữ của Dương Tường, rằng ông không bao giờ chỉ tìm cách chuyển ngữ văn bản, mà ông tái tạo văn bản văn học bằng ngôn ngữ đích.

Trong nghệ thuật đương đại, Dương Tường luôn tích cực hỗ trợ các nhà sáng tạo trẻ và những thành tựu nghệ thuật sắp đặt của họ. Ông hợp tác với các nghệ sĩ ở nhiều lứa tuổi. Điều này cho thấy một sự đổi mới trong sáng tạo ở Việt Nam, một phong trào nghệ thuật mang tính cởi mở và sự cách tân.

Với số lượng tác phẩm phong phú, đồ sộ và sự công nhận tài năng từ công chúng đã đưa Dương Tường trở thành một nhân vật quan trọng của Việt Nam đương đại.

Năm 2009, ông Hervé Bolot, Đại sứ Pháp tại Hà Nội, đã trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật (Officier des Arts et des Lettres) cho Dương Tường vì công lao mang văn hoá Pháp đến Việt Nam cũng như nỗ lực giới thiệu Việt Nam ra thế giới.

Dương Tường gửi lại

Dương Tường qua đời, nhưng hậu thế có thể gặp ông trong từng con chữ. Bạn đọc có thể thưởng thức những tác phẩm văn chương kinh điển thế giới qua tiếng Việt đẹp của Dương Tường.

Người báo hiếu tiếng Việt qua thơ và tác phẩm dịch

Với nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam trong hơn 60 năm, nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã dấn thân cả đời cho văn học trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm