Nhà thơ, dịch giả Dương Tường. |
“Gửi lại em tờ thư hai tư gác mưa / Mùi hoa sữa hai tư miền hoài niệm… Gửi lại em hai tư lối công viên / Hai tư vầng trăng góa… Anh gửi lại em tất cả”, ca từ Tình khúc 24 vang lên tại tang lễ nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Trong tang lễ ông, diễn ra sáng 1/3 tại Nhà tang lễ quốc gia, Hà Nội, lời thơ của Dương Tường do Phú Quang phổ nhạc gợi nhắc trong lòng văn giới và người yêu nghệ thuật di sản mà ông gửi lại.
Sứ giả văn chương
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường, người xếp sách vở đi làm liên lạc khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra, sau đó vào bộ đội, đã luôn mang theo từ điển trong balô để tự học ngoại ngữ. Làm việc không ngừng cho đến cuối đời, ông đã để lại hơn 50 tác phẩm dịch, mỗi tác phẩm đều là “trái núi” mà người làm dịch thuật, văn chương hướng đến.
Bạn đọc ngày nay có thể gặp lại những con chữ của ông qua các tác phẩm kinh điển. Những Lolita (Vladimir Nabokov), Anna Karenina (Lev Tolstoy), Đồi gió hú (Emily Brontë), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Bên phía nhà Swan và Dưới bóng những cô gái đương hoa (Marcel Proust), Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline), Cái trống thiếc (Gunter Grass), Truyện Kiều (dịch ngược sang tiếng Anh)… đều là tác phẩm phức tạp về ngữ pháp, ngôn từ, với tầng tầng lớp lớp nghĩa.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương - bày tỏ sự thương tiếc: “Vô cùng thương tiếc nhà thơ, dịch giả Dương Tường, một tài năng lớn của giới văn nghệ nước nhà! Hậu thế mãi nhớ và tri ân ông qua các tác phẩm ông để lại cho đời”.
Trong giới dịch thuật, Dương Tường có sự nghiệp trải dài mấy mươi năm, song hành theo lịch sử xuất bản văn học dịch. Giới xuất bản tiếc nhớ người có nhiều cống hiến cho văn chương, xuất bản. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ - viết trong sổ tang: “Cảm ơn nhà thơ, dịch giả Dương Tường! Thế hệ sau biết ơn ông đã sống một cuộc đời cống hiến cho văn hóa, văn học nước nhà!”.
Ông Nhật Anh - Giám đốc công ty sách Nhã Nam, đơn vị chuyên xuất bản sách văn chương - gọi dịch giả Lolita là “Người dịch thân yêu nhất của Nhã Nam”. Ông Nhật Anh nhận định Dương Tường có thể xếp vào đội ngũ những dịch giả gạo cội, tài năng nhất mà lịch sử Việt Nam từng chứng kiến như: Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Thiếu Sơn, Đỗ Đức Hiểu, Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo...
“Cả đời viết lách, dịch thuật, theo đuổi những trước tác đồ sộ, bất cứ tiếng Anh hay Pháp, mà vẫn phô diễn đầy đủ cái tài hoa của tiếng Việt đến độ muốn ký tên chung với tác giả, thì chỉ có một Dương Tường”, ông Nhật Anh nói.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, người em thân thiết của Dương Tường, đã ví Dương Tường là người tình đam mê của những trang văn chương nhân loại, từ chỗ ban đầu dịch sách như một cách kiếm sống (“cần câu cơm” như lời ông nói) ông đã hiến cả đời mình làm con ngựa thồ văn hóa qua biên giới ngôn ngữ và làm sứ giả văn chương cho các tác phẩm nước ngoài nhập tịch tiếng Việt, văn Việt.
Sách Dương Tường thơ. |
Đánh cược đời mình vào tiếng Việt
Sinh thời, Dương Tường từng nói ông luôn muốn thử sức mình ở tác phẩm khó. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lý giải khi dịch, tác phẩm gốc càng khó Dương Tường càng muốn thử sức, bởi ông thấy năng lực của mình được thêm thách thức, thêm có cơ hội bộc lộ và thể hiện qua con chữ tiếng Việt.
Tinh thần này không chỉ thể hiện trong dịch thuật mà còn hiển lộ qua thơ ca. Dương Tường, cùng Trần Dần, đã thử nghiệm với thơ thị giác, hay còn được gọi là thơ ngoài lời. Độc giả có thể thấy những sáng tạo ngôn ngữ của ông qua tác phẩm Mắt, Ngày và Đàn.
“Thơ Dương Tường như đánh đàn trên chữ”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng đánh giá những sáng tạo chữ của Dương Tường như vậy.
Còn nhà thơ Hoàng Hưng ghi nhận đóng góp của Dương Tường trong thi ca hiện đại: “Tôi cũng tin rằng, với hay không với ‘thi pháp âm bồi’, Dương Tường đã cho người yêu thơ những bài thơ mà hiệu quả âm nhạc, tạo hình là một với sức mạnh cảm xúc, tình cảm, ý tưởng, không tách bạch được đâu là ‘âm’, đâu là ‘nghĩa’, đâu là ‘hình thức’, đâu là ‘nội dung’. Đủ để ghi tên một Dương Tường trong số các nhà thơ đóng góp vào sự phát triển của thơ hiện đại Việt Nam”.
Nhà giáo dục Phạm Toàn - Châu Diên từng nhận định: “Phẩm chất nhà thơ ở Dương Tường là chắt chiu con chữ. ‘Tôi đứng về phe lâm thâm nước mắt những giờ vui’. Tứ thơ ban đầu như thế, Dương Tường gọt đẽo. Bỏ ‘lâm thâm’, bỏ ‘những giờ vui’. Cuối cùng còn vừa đủ để ghi trên mộ chí: ‘Tôi đứng về phe nước mắt’”.
Không chỉ để lại dấu ấn văn chương, Dương Tường cũng để lại sự thương tiếc trong lòng giới mỹ thuật. Đặng Xuân Hòa, thành viên nhóm Gang of Five, nhóm họa sĩ tiêu biểu sau đổi mới, cho biết Dương Tường là người am hiểu nghệ thuật. Ông có những người bạn là họa sĩ nổi tiếng và từng đi vào tranh Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn... Theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, trong những năm đầu đổi mới, bằng sự đồng cảm trong tư tưởng nghệ thuật và khả năng ngôn ngữ, Dương Tường đã giới thiệu hội họa Việt ra nước ngoài, đồng thời giới thiệu những trào lưu hội họa thế giới với nghệ sĩ trong nước.
Trong gần 100 năm tại thế, Dương Tường, một người gầy gò, thấp bé nhưng để lại lượng tác phẩm nặng ký. Xét về khối lượng và phẩm lượng các sách dịch của ông, xét về sự cách tân thơ của ông, xét về tác động tinh thần của ông đến mọi người xung quanh và xét đến tình yêu mến mọi người dành cho ông, có thể nói Dương Tường là người rất nặng.
Trong điếu văn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, viết: “Sức nặng của ông là từ cây thập giá chữ ông tự nguyện mang vác đến trọn đời. Mượn cách nói của Lê Đạt, có thể nói chữ đã bầu lên Dương Tường một dịch giả xuất sắc, một nhà thơ độc đáo. Chữ đã tạo nên giá trị con người ông”.