Nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Cả đời cống hiến cho văn chương, nghệ thuật, nhà thơ, dịch giả Dương Tường được kính trọng với những bản sáng tạo thi ca và những bản dịch tài hoa. Dẫu biết tuổi ông đã cao, "lá rụng về cội" là lẽ thường, sự ra đi của ông khiến giới văn chương và người yêu nghệ thuật thương tiếc.
Tấm gương cống hiến thầm lặng
Chia sẻ với Zing, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói: "Ông Dương Tường là một nhà thơ, một dịch giả dành cả đời người dấn thân cho sáng tạo văn học, cả trong dịch thuật lẫn sáng tác thơ ca. Cho đến tận những năm cuối đời, khi sức khỏe đã hao mòn, ông vẫn lặng lẽ làm việc. Ông luôn đi tìm cái mới trong sáng tạo thơ ca, trong dịch thuật".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định rằng ông Dương Tường là người làm việc với con chữ một cách nghiêm túc, dấn thân trọn vẹn cho sự nghiệp văn chương. Ông nói: "Đó là điều chúng ta cần ghi nhận. Ông ra đi, để lại những tác phẩm dịch quan trọng và những sáng tác thơ ca cho hậu thế. Những thế hệ sau này, trong thời đại đã có nhiều đổi thay, cũng sẽ nhớ đến tấm gương cống hiến thầm lặng như Dương Tường".
Trước tin buồn, nhiều bạn văn và hậu bối của nhà thơ đã bày tỏ sự buồn thương, tiếc nuối; những người từng làm việc với ông cũng không khỏi bàng hoàng. Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là người từng trực tiếp biên tập cuốn Dương Tường Thơ, đã chia sẻ rằng trong thơ Dương Tường, bà tìm thấy vẻ đẹp bất biến của "ngón thơ con âm", và tính bất biến của cảm xúc chất chứa trong thơ.
Trên trang cá nhân, bà Diệu Thủy viết: "Trong quá trình biên tập cuốn sách, một buổi chiều tôi đến nhà ông. Bậc thang gỗ nhỏ hẹp dẫn lên căn gác chật chội ẩm thấp bộn bề sách vở".
"Dương Tường cho tôi xem bản gốc hai tập thơ thị giác Ngày và Đàn của ông, mà ông gìn giữ nâng niu cẩn thận. Cái cảm giác được chạm tay vào quá khứ, chạm tay vào sáng tạo không khỏi khiến tôi có đôi chút rung động. Và Dương Tường hào hứng chỉ cho tôi lai lịch từng bức".
Chính trong dịp này, bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã có dịp trao đổi với ông Dương Tường về quan điểm thơ ca và sự nghiệp văn chương của ông. Theo đó, ông đã nói: "Tôi vẫn cho tôi là một nhà thơ. Cho dù tôi đã dịch đến sáu chục đầu sách, nhưng cái cốt lõi tâm hồn tôi vẫn là nhà thơ. Tôi tiếc là mình không sống được trọn vẹn với thơ".
Ông giãi bày: "Cuộc đời cũng phũ phàng, hồi đó chúng tôi: tôi, Trần Dần, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh đều kiếm sống bằng dịch thuật. Những ngày tháng đó chúng tôi hầu như chỉ di chuyển giữa ba không gian: thư viện - phố - nhà. Một nhật trình dài dặc. Trong mấy 'thằng' thì tôi dịch được nhiều nhất, nhưng có lẽ cũng vì thế mà thời gian, tâm trạng cho thơ bị hạn chế đi".
Khi được hỏi liệu ông có hài lòng với những gì mình đã làm trong đời, Dương Tường đã nói rằng ông "tạm hài lòng", cho những gì đã làm được cũng không đến nỗi dở, dù cũng có phần tiếc nuối vì chưa được trọn duyên với thơ.
Nghiệp thơ mà theo đánh giá của Dương Tường là chưa được trọn duyên ấy vẫn nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao từ những tên tuổi lớn trong làng văn.
Cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: "Thơ Dương Tường như đánh đành trên chữ". Nhà thơ Hoàng Hưng cũng nhận xét rằng trong thơ Dương Tường, độc giả cảm nhận được từ hiệu quả âm nhạc và tạo hình một sức mạnh cảm xúc, tình cảm, ý tưởng, không tách bạch được đâu là "âm", đâu là "nghĩa", đâu là "hình thức", đâu là "nội dung".
Bên cạnh những thi phẩm nổi tiếng như Tình khúc 24. Dương Tường thử nghiệm với thơ thị giác trong Mắt, Ngày và Đàn. Cũng trong cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Dương Tường đã nhận định rằng thơ thị giác phản ánh sự chuyển dịch ngôn ngữ thơ sang các ngôn ngữ nghệ thuật khác và như vậy, "thơ trở nên siêu ngôn ngữ, và không có một hạn chế nào cho sự phát triển của thơ".
Những bản dịch truyền cảm hứng
Những khi ông không dành thời gian cho thơ, Dương Tường dịch văn học. Trải suốt sự nghiệp của ông là khoảng 50 dịch phẩm lớn nhỏ. Ông Nhật Anh - Giám đốc công ty sách Nhã Nam, đơn vị in nhiều tác phẩm dịch của Dương Tường - đã nhận định Dương Tường có thể xếp vào đội ngũ những dịch giả gạo cội, tài năng nhất mà lịch sử Việt Nam từng chứng kiến như Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Thiếu Sơn, Đỗ Đức Hiểu, Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo...
Ông Nhật Anh nói: “Cả đời viết lách, dịch thuật, theo đuổi những trước tác đồ sộ, bất cứ tiếng Anh hay Pháp, mà vẫn phô diễn đầy đủ cái tài hoa của tiếng Việt đến độ muốn ký tên chung với tác giả, thì chỉ có một Dương Tường”.
Một số tác phẩm văn chương đặc sắc do Dương Tường chuyển ngữ. |
Khối gia tài dịch thuật Dương Tường để lại bao gồm nhiều cái tên kinh điển như Đồi gió hú, Anna Karenina, Lolita, Kafka bên bờ biển, Cái trống thiếc, Phố những cửa hiệu u tối, Chết chịu... và hai tập đầu trong bộ sách Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust - bộ sách được cho là khó đọc, khó dịch, thách thức khả năng ngôn ngữ của công chúng.
Những cuốn sách này không chỉ lan truyền tình yêu văn chương đến một bộ phận độc giả Việt Nam, mà còn truyền được tình yêu ngôn ngữ, tình yêu dịch thuật.
Khi tin buồn về nhà thơ, dịch giả Dương Tường được chia sẻ lên các văn đàn, những hội nhóm người yêu sách, không ít người đã chia buồn, đồng thời cảm ơn cố dịch giả vì những bản dịch công phu của ông. Có người gọi ông là "người khổng lồ trong làng dịch thuật nước nhà", hay "cây đại thụ dịch thuật", có người cho hay "giọng văn dịch xuất sắc" của ông đã truyền cảm hứng cho họ theo đuổi nghề dịch thuật văn chương.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói rằng dịch giả Dương Tường ăn nằm với nguyên tác để đẻ ra bản dịch. Ông nhận xét Dương Tường dịch với tâm hồn nghệ sĩ, nhưng cách làm việc còn hơn cả công chức.
Với Chết chịu, vị dịch giả tâm huyết này đã tra cứu từ điển Céline, đọc lại tác phẩm trước văn hào Pháp cũng như tiểu sử tác giả. Còn với Proust, một tác giả mà người đọc phải cảm thán "Cuộc đời quá ngắn mà Proust lại quá dài", để dịch một phần Đi tìm thời gian đã mất, được biết, Dương Tường có hẳn một ngăn tủ chứa khoảng 30 cuốn tài liệu về nhà văn này.
Thái độ nghiêm túc và khoa học ấy đã giúp ông thấu hiểu những mạch ngầm dưới mặt chữ, tạo ra những bản dịch chuẩn xác nhất mà ông có thể tạo. Dương Tường đề ra hai tiêu chuẩn khi dịch, đó là "tín" và "nhã", tức là dịch phải trung thành với nguyên tác và sử dụng ngôn từ phải đẹp. Nhưng “tín” không đồng nghĩa với việc bám chặt nguyên tác, dịch từng câu chữ theo nghĩa đen để rồi bỏ qua ngữ cảnh, văn hóa, nếu làm vậy, bản dịch sẽ làm mất đi cái “nhã”.
Quan điểm của Dương Tường về dịch thuật luôn nhất quán. Ông cho rằng cái khó trong dịch thuật không phải là ngoại ngữ, mà nằm ở mức độ nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ. Đây cũng chính là đôi lời nhắn Dương Tường gửi đến thế hệ dịch giả sau này.