Nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Là một dịch giả, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật, phóng viên,... Dương Tường tự nhận bản thân "một đời ăn nằm với chữ". Ông rời cõi tạm tối 24/2, thọ 92 tuổi, song “những trang thơ và trang sách dịch của anh ở lại”, như cách nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ sự tiếc nuối trước sự ra đi của nhà thơ, dịch giả Dương Tường.
“Ông là một người thực sự dấn thân cả đời cho văn học trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật. Ông là một ví dụ cho sự dấn thân trên con đường đi tìm cái mới”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - viết trên trang Facebook cá nhân sau khi nhận được tin buồn.
Đưa tinh hoa văn học đương đại tới bạn đọc Việt
Dương Tường, tên đầy đủ là Trần Dương Tường, sinh ngày 4/8/1932 tại thành phố Nam Định. Ông có sự nghiệp trải dài hơn 60 năm, song hành theo lịch sử xuất bản văn học dịch. Gia tài dịch thuật của ông gồm hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học lớn như Anh, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản.
Những Lolita (Vladimir Nabokov), Anna Karenina (Lev Tolstoy), Đồi gió hú (Emily Brontë), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Bên phía nhà Swan và Dưới bóng những cô gái đương hoa (Marcel Proust), Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline)… đều là tác phẩm phức tạp về ngữ pháp, ngôn từ, chuyển tải tầng tầng lớp lớp nghĩa.
Năm 2019, trong lần chia sẻ kinh nghiệm tự học để trở thành một dịch giả của nhiều tác phẩm lớn, Dương Tường cho biết ông không bao giờ làm những việc dễ mà luôn chọn dịch những cuốn sách khó hơn khả năng của mình một chút.
Chính vì vậy mà trong giới dịch thuật, Dương Tường được kính trọng bởi ông luôn thử sức mình ở những tác phẩm khó, chọn dịch những tác phẩm mà nhiều dịch giả e ngại. Không chỉ để mài dũa tay nghề làm "cần kiếm cơm" mà còn với mục đích đưa “những tinh hoa của nhân loại cho càng nhiều người biết càng tốt”.
Chỉ tại con chích chòe là cuốn tạp luận ghi lại suy nghiệm của Dương Tường mỗi khi dịch những kiệt tác. |
Bên cạnh đó, ông còn được biết đến là một dịch giả tâm huyết, tài hoa và luôn gìn giữ vẻ đẹp của tiếng Việt. Dù từng tổ chức một buổi lễ để "rửa tay gác kiếm", công việc dịch thuật và tình yêu văn chương vẫn thôi thúc ông tiếp tục làm việc. Ở tuổi ngoài 80, khi thể lực và thị lực đều đã suy giảm, ông vẫn miệt mài để hoàn thành công trình dịch ngược Truyện Kiều sang tiếng Anh như một cách “báo hiếu với tiếng mẹ đẻ”. Tác phẩm được cho ra mắt vào năm 2020.
Với những cống hiến của mình, ông đã được tôn vinh tại các giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Dương Tường tự coi mình là một "người dịch a-ma-tơ", nhưng ông cũng quan niệm "người dịch có cá tính có thể và cần phải rất tự do sáng tạo trong giới hạn của nguyên tắc, một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm trong đó người dịch là đồng tác giả".
“Dương Tường, đúng nhất, người viết”
Bên cạnh sự nghiệp dịch thuật, Dương Tường còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Trong đó, nổi tiếng nhất có thể kể đến thi phẩm Tình khúc 24 và thơ thị giác qua các tác phẩm Mắt, Ngày và Đàn.
Bắt đầu viết thơ từ năm 21 tuổi, ông không chỉ làm thơ tiếng Việt, mà còn làm thơ tiếng Anh, tiếng Pháp với vốn ngoại ngữ hoàn toàn do tự học. Năm 2007, trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội L’Espace xuất bản tập Lục giác sông Hồng, một tập thơ song ngữ Việt - Pháp của Dương Tường và 5 nhà thơ Việt Nam khác. Nhà xuất bản Dalkey Archives của Mỹ cũng xin phép dùng một trang trong tập thơ thị giác Đàn của ông để làm bìa cuốn hồi ký A Sentimental Journey của Viktor Shklovsky, một nhà văn Nga cùng thời với Maxim Gorky.
Tại Việt Nam, ông đã in các tập thơ như: Dương Tường - Thơ; 36 bài tình (thơ - in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời); Thơ Dương Tường - Mea culpa và những bài khác. Ngoài ra, ông còn là tác giả của tạp luận Chỉ tại con chích chòe và tập truyện ký Thuyền trưởng (dưới bút danh Nguyễn Trinh).
Tuy nhiên, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, đây mới chỉ là một số ít được in ra bởi thực tế nhà thơ Dương Tường còn viết rất nhiều. Không những thế, lối thơ gieo có âm, tạo nghĩa theo chiều biểu âm mà ông thực hành có thể gây bối rối, lúng túng cho những ai chỉ quen một lối đọc, lối duy lý tuyến tính. Ông từng nói: “Nghệ thuật, nói cách nào đó, là sự sáng tạo ra những hiện thực khác”.
“Dương Tường nhà báo, dịch giả, nhà phê bình văn học, nhà phê bình mỹ thuật, nhà phê bình âm nhạc, nhà phê bình sân khấu, nhà thơ. Nhưng chưa phải đúng thế. Dương Tường, đúng nhất, người viết”, ông Phạm Xuân Nguyên nhận xét.