Bà Jonsson, trông rất trẻ trong bộ quần áo chải chuốt như để đi dạ hội, tự giới thiệu và giới thiệu ông Lars Olsson là cấp phó của bà, ông trông có vẻ khiêm tốn và dễ thương. Tôi theo họ lên phòng làm việc riêng. Câu chuyện của chúng tôi rất cởi mở, đằm thắm về tình hình Việt Nam xen lẫn với tình hình Thụy Điển.
Bà Jonsson giới thiệu vài nét chính về Thư viện Hoàng gia:
Thư viện này nguyên là thư viện riêng của các vua và nữ vương của dòng họ Vasa. Những bộ sách đầu tiên bắt đầu được thu thập từ thế kỷ XVI - XVII và xếp vào một phòng lộng lẫy tên là “Ba vương miện” thuộc Hoàng cung cũ.
Đến năm 1697, một trận cháy lớn phá hoại tòa lâu đài ấy và một phần lớn thư tịch. Đến thế kỷ XVIII, số sách còn lại được bảo tồn trong một chái bên của Hoàng cung hiện nay. Chẳng bao lâu, số sách tăng lên quá nhiều, phải xây dựng một tòa nhà khác làm một thư viện riêng biệt. Thư viện hiện đại hoàn thành vào năm 1878, kiến trúc sư là Gustaf Dahl, Giám đốc đầu tiên là G.E Klemming, trong số cán bộ có nhà văn nổi tiếng Strindberg.
Ông Olsson nói tiếp:
Thư viện cứ phình mãi ra. Mới đầu, tòa nhà được xây dựng cho 10 nhân viên và 200.000 cuốn sách. Bây giờ, chúng tôi có đến 250 nhân viên và 2.000.000 cuốn sách. Ngay từ năm 1661, đã có sắc lệnh bắt buộc các nhà in phải nộp lưu chiểu ở thư viện Hoàng gia một bản của mỗi sách xuất bản.
Như vậy là hàng năm, tất cả các sách in ở Thụy Điển đều có mặt ở thư viện. Do đó, mà thư viện này vô hình trung trở thành Thư viện quốc gia, có nhiệm vụ làm thư mục và quản lý sách của toàn quốc.
Năm 1988, có đề nghị thay tên thư viện này là “Thư viện quốc gia” như ở nhiều nước khác, nhưng lập tức bị một làn sóng phản đối dâng lên ở trong và ngoài thư viện. Về lý, thay tên là đúng với nhiệm vụ, nhưng về tình, người ta luyến tiếc cái tên cũ gắn với một dĩ vãng lịch sử huy hoàng.
Thực ra, từ lâu, thư viện đã không phải là thư viện hoàng gia (royal library, không viết hoa), chỉ gồm những sách riêng cho vua hoặc nữ vương và gia đình, được chọn theo sở thích hoàng gia hoặc do người ta biếu Hoàng gia. Những người phụ trách thư viện đã có ý thức chọn đủ các loại sách, do đó “Thư viện Hoàng gia” (Royal Library, viết hoa) chỉ là một cái tên riêng mà thôi, nội dung đã thay đổi. Phải nói là các vua và nữ vương cũng có công chứ.
Dĩ nhiên là như vậy. Vua Gustav Vasa, người có bàn tay sắt lập nên quốc gia Thụy Điển hiện đại, không phải là người ưa đọc sách, nhưng ông cho thu thập sách để giáo dục con cái. Chủ trương cải cách tôn giáo, ông cho tịch thu nhiều sách của các tu viện Công giáo.