Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng yêu cầu gỡ khó cho dự án điện tái tạo trước tháng 2/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện tái tạo trước ngày 31/1/2025 để tránh lãng phí tài nguyên đất nước, nguồn lực của xã hội.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo ngày 12/12. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chiều 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Khẩn trương gỡ khó cho dự án điện tái tạo

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết đến nay đã có thể xác định hoàn thành 15/15 chỉ tiêu của năm 2024 do Quốc hội giao. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt hơn 7%, tạo đà để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8% của năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết ngoài gặt hái được những điểm sáng về kinh tế, có bài học kinh nghiệm trong phát triển điện như việc triển khai thần tốc đường dây 500 kV mạch 3 nhanh nhất, chất lượng tốt và không đội vốn thì vẫn còn những dự án năng lượng tái tạo bị tạm dừng, chậm tiến độ, chậm đưa vào khai thác sử dụng.

Cụ thể, tính đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW (chiếm 27%); sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh (chiếm gần 13%).

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo có những điểm mới, những vấn đề phức tạp, có tình trạng thực tiễn đi trước văn bản quy phạm pháp luật. Việc phát triển điện mặt trời, điện gió nhanh, có tích cực nhưng cũng có khó khăn, vướng mắc, có cả sai phạm.

Các sai phạm hiện được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể, cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc chậm trễ không đưa các dự án vào khai thác sẽ gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực xã hội, không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bù đắp, bảo đảm cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Thậm chí, hệ lụy là có thể gây nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, không trả nợ được ngân hàng, dẫn đến phá sản, các doanh nghiệp, người dân mất tiền bạc, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.

Thu tuong anh 1

Đại diện doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực điện năng lượng tái tạo phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 ngày 7/12, Chính phủ đã cho ý kiến đối với Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Trên cơ sở thống nhất của các bộ, cơ quan, địa phương, Bộ Công Thương đã báo cáo và Chính phủ đã thảo luận, thông qua với tỷ lệ 100% đối với chủ trương, quan điểm, mục tiêu, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Giải quyết dứt điểm trước ngày 31/1/2025

Thủ tướng cho biết Chính phủ quyết định triệu tập hội nghị với các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo để thống nhất quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp, chất lượng, mục tiêu, lộ trình, trên cơ sở đó cùng nhau giải quyết.

Trong đó, thông suốt tinh thần các cấp quản lý là không hợp thức hóa những người làm sai nhưng phải có giải pháp cho những công trình đã đầu tư hoàn chỉnh, cần khai thác để không lãng phí nguồn lực của xã hội.

Trên cơ sở quan điểm của Trung ương và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng thống nhất tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo theo hướng lựa chọn phương án xử lý tối ưu.

Cụ thể, các bên cần hạn chế tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc gia và hài hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư.

Theo Thủ tướng, việc xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bằng giải pháp kinh tế. Nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả, không có hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự.

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 theo quy định pháp luật.

Thủ tướng thống nhất cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng. Nếu ai chạy chọt thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng... thì đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan.

Đối với các dự án đang được hưởng biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT) có vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền do lỗi của doanh nghiệp và không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hướng giá ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định. Đồng thời, cần thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

"Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án năng lượng tái tạo phải công khai, minh bạch, không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu. Chính phủ ra chủ trương tháo gỡ, các địa phương phải cùng với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng. Nếu ai chạy chọt thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành, cơ quan phụ trách khẩn trương vào cuộc, chủ động thực hiện các giải pháp để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm; cố gắng giải quyết dứt điểm trước ngày 31/1/2025.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Phó thủ tướng: Trình Quốc hội xem xét bổ sung vốn cho VEC

Số tiền dự kiến bổ sung vốn cho VEC vượt quá tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng theo quy định của Luật Đầu tư công, do đó, việc bổ sung vốn cần trình Quốc hội cho ý kiến.

Thủ tướng chủ trì hội nghị gỡ vướng cho điện năng lượng tái tạo

Trước thực trạng khó khăn của nhiều dự án điện năng lượng tái tạo với vốn đầu tư hàng tỷ USD, Thủ tướng sẽ chủ trì hội trao đổi phương hướng tháo gỡ khó khăn cho các dự án này.

Thủ tướng đề nghị tập đoàn Trung Quốc tham gia các dự án hạ tầng lớn

Các dự án lớn được gợi ý bao gồm cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, tuyến đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Hoà Lạc (Hà Nội), tuyến metro/đường sắt kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai)...

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm