Thủ tướng ghi nhận dự án đã nâng cao vai trò, uy tín, vị thế của ngành điện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Sáng 8/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) cùng các lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Dự án được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột, 513 khoảng néo, đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng.
Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2024 và các năm tiếp theo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đáng chú ý, EVN và EVNNPT đã hoàn thành đóng điện các dự án sau hơn 6 tháng thi công thay vì 3-4 năm như thông thường.
Công trình đại diện cho sự đột phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự trưởng thành, lớn mạnh của EVN và cả ngành điện trong năm 2024. Đặc biệt, các đơn vị đã bảo đảm cung ứng đủ điện với nhu cầu cao hơn (với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%) mà không có sự cố, nhất là so với năm 2023 khi tăng trưởng GDP không cao lắm nhưng vẫn xảy ra thiếu điện cục bộ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, công trình đã cho thấy không có gì là không thể, chỉ là có quyết tâm làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có biết cách làm hay không.
"Trong quá trình làm việc, sẽ có những người bàn làm và có người bàn lùi, có những người quyết tâm và có người không quyết tâm, nhưng đại đa số quyết tâm làm và biết cách làm thì sẽ làm được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công trình đã góp phần nâng cao vai trò, uy tín, vị thế của ngành điện trong lòng nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế. Công trình cũng thể hiện sự tự tin, bản lĩnh, thông minh, sáng tạo, vừa làm vừa hoàn thiện, vừa làm vừa đổi mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng nêu rõ tiến độ là rất quan trọng, còn chất lượng dự án đã được kiểm chứng khi qua cơn bão Yagi vừa qua, đường dây 500 kV vẫn nguyên vẹn; đồng thời không đội giá, góp phần chống tiêu cực và lãng phí.
Ngành điện cần đột phá để đáp ứng tăng trưởng
Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý Việt Nam chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước).
Muốn đạt mục tiêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phải có đột phá về tăng trưởng, đặc biệt là đạt tăng trưởng 2 con số trong những thập kỷ tới.
Như vậy, tăng trưởng điện sẽ còn cao hơn nữa, bởi 1 điểm % tăng trưởng GDP cần khoảng 1,5 điểm % tăng trưởng điện. Do đó, ngành điện phải có những đột phá, những công trình thế kỷ, những dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái và dứt khoát không để thiếu điện với mục tiêu tăng trưởng 2 con số, tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội ủng hộ, nhân dân đồng tình, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi
Thủ tướng Phạm Minh Chính
"Đây là mục tiêu khó, nhưng khó mấy cũng phải làm. Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội ủng hộ, nhân dân đồng tình, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu EVN và ngành điện phải tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sự bản lĩnh, kiên cường, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, phát huy sức mạnh của ngành điện và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để bảo đảm các khâu gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện hiệu quả, giá điện phù hợp với doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, ngành điện cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác, huy động sức mạnh từ người dân và xã hội, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành điện và EVN đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, trong đó trước hết cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.