Sáng 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Đánh giá về các kết quả đạt được, Thủ tướng cho hay trong 11 tháng đã qua, các mục tiêu đề ra cơ bản được thực hiện tốt. Giữ vững kinh tế vĩ mô trong điều kiện kinh tế thế giới bấp bênh, lạm phát được kiểm soát.
Trong đó, tăng trưởng được thúc đẩy trên cả 3 lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ), chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại tiếp tục là điểm sáng.
Nhắc tới một số ngành có sự tăng trưởng, Thủ tướng nhìn nhận ngành công nghiệp đã có sự phục hồi, nhất là chế biến, chế tạo; xuất khẩu gạo cũng đạt được kết quả tích cực.
"Thị trường chứng khoán thanh khoản tốt, tăng dần đều và trở nên lành mạnh hơn. Phản ứng chính sách ngày càng kịp thời, ví dụ trước tình hình thay đổi lãi suất của Fed", Thủ tướng đánh giá.
Bên cạnh kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra việc tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn khó khăn. "Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy. Phản ứng chính sách vẫn có lúc chưa kịp thời", Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận là không ngại, không sợ việc quy định vừa ban hành đã sửa đổi.
"Điều quan trọng là nhìn thẳng vào sự thật, bám sát tình hình thực tiễn, cầu thị lắng nghe, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để hành động", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua tiếp tục chuyển biến tích cực. Khách du lịch đến Việt Nam 11 tháng đạt 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau tốt hơn tháng trước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực.
Trong 11 tháng có trên 201.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường... Giải ngân đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% cùng kỳ, số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn đưa ra nhiều dự báo trái chiều về triển vọng kinh tế thế giới, các nước lớn trong quý IV và năm 2024.
Theo đó, tình hình thế giới, khu vực thời gian tới dự báo có chuyển biến, nhưng tiếp tục diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu "tác động kép" từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm.
"Nhìn chung, bối cảnh, tình hình thời gian tới có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội", lãnh đạo bộ này nhận định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.