Garmex Sài Gòn - một "ông lớn" trong ngành dệt may ở TP.HCM với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng - đã buộc phải cắt giảm gần hết nhân sự, chỉ còn vỏn vẹn 37 người. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ngừng sản xuất "để giảm thiểu thiệt hại" trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.
Thực tế, không chỉ Garmex Sài Gòn mà hàng loạt doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng đang phải đối mặt với tình trạng đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, công nhân giảm giờ làm, nhà máy giảm công suất.
Số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD, tương đương 8,9%.
Ngừng sản xuất để giảm thiệt hại
Bà Nguyễn Minh Hằng - Tổng giám đốc Garmex Sài Gòn cho biết trong quý III, doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ đơn hàng nào, khoản thu 73 triệu đồng cũng chỉ đến từ dịch vụ.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, ông chủ của 5 nhà máy may mặc, hơn 70 dây chuyền sản xuất này chỉ ghi nhận doanh thu thuần 8,1 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 44 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế đến hết quý III lên gần 66 tỷ đồng.
"Tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy may sẽ lỗ rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp đã tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại", bà cho hay.
Trước tình hình đó, công ty đã cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động, thực hiện tiết giảm chi phí. Đồng thời rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng.
"Hiện tại, Garmex Sài Gòn chưa tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không thì tùy vào tình hình thị trường", lãnh đạo Garmex Sài Gòn cho biết.
Garmex Sài Gòn từng là doanh nghiệp may mặc lớn tại TP.HCM với 5 nhà máy với hơn 70 dây chuyền sản xuất. Ảnh: Garmex Sài Gòn. |
Khó khăn của ngành dệt may cũng thấy rõ qua báo cáo tài chính của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết. Tính đến hết tháng 9, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT) đạt doanh thu 12.187 tỷ đồng, giảm 14,2%. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt con số 37 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ.
Hay Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cũng nối dài chuỗi thua lỗ 3 quý liên tiếp vì khan hiếm đơn hàng. Quý III, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ 12 tỷ đồng, sau khi lỗ 10 tỷ đồng trong quý II và lỗ hơn 35 tỷ đồng trong quý I.
Đường lớn đi khó, doanh nghiệp chọn ngõ, ngách
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải tìm cách xoay xở, cắt giảm chi phí, chấp nhận lãi thấp để có đơn hàng duy trì lao động.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết nhờ sự nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới và cắt giảm chi phí, trong quý III, doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
"Từ quý III/2022, chúng tôi được dự báo khó khăn sẽ kéo dài đến năm 2025, nên ngay từ giai đoạn đó, doanh nghiệp đã thực hiện chính sách hạn chế tuyển dụng nhân sự chính thức và chỉ tuyển nhân sự thời vụ", lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Ông cho biết kế hoạch trong năm 2023 là tập trung kéo thị trường Mỹ để bù đắp thị trường nội địa, nhưng thực tế tình hình lại trái ngược. Các đơn hàng đi Mỹ trong năm nay của doanh nghiệp giảm khoảng 40% so với năm ngoái.
Do đó, công ty đã dành toàn bộ ngân sách xúc tiến thị trường Mỹ chuyển sang xúc tiến thị trường Đông Nam Á như Malaysia, Campuchia, Singapore, Indonesia...
"Và kết quả thu được rất bất ngờ, đặc biệt là thị trường Campuchia - tăng trưởng rất mạnh và doanh nghiệp đã thu hút được một số khách hàng trọng điểm", ông nói và cho biết vẫn gặp vướng mắc ở thị trường Indonesia do rào cản về thuế quan.
Nhiều doanh nghiệp dệt may tìm mọi cách đa dạng hóa thị trường, chấp nhận biên lợi nhuận thấp để duy trì hoạt động. Ảnh: Dony. |
Lãnh đạo doanh nghiệp dệt may này chia sẻ trong bối cảnh khó khăn, công ty đã tập trung chính sách về giá, cắt giảm chi phí đưa giá vốn xuống thấp nhất có thể và lựa chọn mức lãi thấp nhất để bán được nhiều hàng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đánh giá mặc dù năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng ghi nhận sự bứt phá kỷ lục của ngành dệt may về thị trường xuất khẩu, với 104 thị trường, vùng lãnh thổ.
"Khi thị trường xuất khẩu lớn giảm thì các doanh nghiệp phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu như châu Phi, Nga, Ấn Độ...", ông Giang nhìn nhận.
Lãnh đạo hiệp hội kỳ vọng dịp Noel tháng 12 và Tết Dương lịch, các thị trường nhập khẩu lớn sẽ thúc đẩy cho năm 2024 khi họ giảm bớt hàng tồn kho. Trong quý IV, ngành dệt may Việt Nam đã nhận được tín hiệu đơn hàng tốt hơn, thị trường bắt đầu nóng lên.
"Việc đa dạng thị trường, đa dạng mặt hàng và khách hàng, đối tác là bước tiến cho việc dệt may Việt Nam giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn, tạo vị thế cho Việt Nam trên thị trường toàn cầu", lãnh đạo Vitas nói.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...