Bình ổn thị trường vàng tiếp tục là vấn đề được quan tâm ngay đầu năm mới Giáp Thìn. Ảnh: Thế Bằng - Châu Dương. |
Trong Chỉ thị 06 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh các yêu cầu liên quan đến quản lý thị trường vàng.
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, cơ quan này được giao đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I.
Thực tế, công tác quản lý vàng miếng là vấn đề "nóng" từ cuối năm ngoái đến nay. Tháng 12/2023, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước.
NHNN sau đó đã khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng.
Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh Nhà nước tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ, mua bán vàng của người dân, nhưng không khuyến khích kinh doanh, bảo hộ cho giá cả mặt hàng vàng.
Cơ quan quản lý cũng không chấp nhận việc giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch đến 20 triệu đồng/lượng, cũng như việc chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác quá cao.
NHNN cho biết sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Hiện thị trường vàng vẫn được quản lý theo Nghị định 24 ban hành năm 2012 - thời điểm ưu tiên chống vàng hóa nền kinh tế, không để thị trường này ảnh hưởng đến môi trường vĩ mô, lãi suất, tỷ giá.
Nhiều chuyên gia đánh giá Nghị định 24 đã phát huy được vai trò quan trọng, nhưng chính sách quản lý 10 năm trước đến nay đã không còn phù hợp, cần được thay đổi.
Trên thực tế, trong tháng cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC trong nước liên tục tăng vọt. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang ổn định khoảng 63-64 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC vọt lên mức kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng.
Những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục tăng giảm với biên độ vài triệu đồng/ngày, thậm chí trong vài giờ và chênh lệch so với thế giới vọt lên 20 triệu đồng/lượng. Biên độ mua và bán cũng bị đẩy lên 4-6 triệu đồng/lượng, thể hiện mức độ biến động cao của thị trường.
Còn trong phiên giao dịch hôm nay (16/2), giá vàng thế giới vừa hồi phục về mức 2.000 USD/ounce sau khi giảm mạnh vào các phiên trước đó. Nhưng ngược lại, giá vàng miếng trong nước lại bật tăng do nhu cầu mua sắm cao của người dân trước ngày vía Thần Tài vào mùng 10 Tết (tức ngày 19/2).
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.