Theo Văn phòng Chính phủ, quy định phải có 100% đất ở khi làm dự án gây cản trở các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư và khu dân cư nông thôn... Bởi thực tế hiện nay các dự án đều sử dụng quỹ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng. Các doanh nghiệp phải bỏ ra nguồn vốn rất lớn để giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư, nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn.
Vì vậy, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn với các trường hợp doanh nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được chỉ định chủ đầu tư. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường báo cáo vụ việc trên.
Các doanh nghiệp TP.HCM phản ánh gặp khó trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp tại TP.HCM phản ánh gặp vướng mắc về chữ “đất ở” tại khoản 4 điều 23 Luật Nhà ở, ách tắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Từ năm 2017 tới nay, các dự án liên quan đến quỹ đất công mà các doanh nghiệp cổ phần hóa bán lại đều bị TP.HCM dừng triển khai, cấp phép để kiểm tra. Nhiều doanh nghiệp, vì thế, rơi vào thế kẹt.
Mỗi năm, chúng tôi phải trả lãi hơn 400 tỷ đồng, không hoàn thành cam kết với các cổ đông về kế hoạch bán hàng và lợi nhuận, phải tinh giản hơn 1.000 nhân viên và tiếp tục tinh giản do không đủ dự án để triển khai.
Ông Bùi Xuân Huy, CEO Novaland
Tại buổi tiếp xúc của lãnh đạo TP.HCM với hàng chục doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tuần trước, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Công ty Novaland, cho biết doanh nghiệp này gặp khó tại 2 dự án Vườn Dừa (quận 9) và Bình Khánh (quận 2) khi các cơ quan chức năng thành phố tạm dừng dự án.
“Mỗi năm, chúng tôi phải trả lãi hơn 400 tỷ đồng, không hoàn thành cam kết với các cổ đông về kế hoạch bán hàng và lợi nhuận, phải tinh giản hơn 1.000 nhân viên và tiếp tục tinh giản do không đủ dự án để triển khai. Chúng tôi cũng gặp khó khăn trong khi làm việc với các tổ chức tín dụng vì các đối tác rất ngần ngại khi phần lớn các dự án của Novaland bị thanh kiểm tra quá nhiều”, ông Huy cho biết.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, cho rằng khi làm dự án thì cơ cấu sử dụng đất gồm đất xây dựng công trình ở, đất giao thông, đất cây xanh công trình công cộng, trường học...
“Yêu cầu phải có 100% đất ở là hoàn toàn không phù hợp với thực tế và mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng... và không thể có quỹ đất nào đảm bảo được diện tích, quy mô, tính chất đáp ứng được quy định 100% đất ở để xin thủ tục đầu tư”, ông Trung nói.
Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn kiến nghị đến Thủ tướng nhiều vấn đề đang gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản liên quan đến quy định “phải có đất ở 100% mới được chỉ định làm chủ đầu tư” gây ách tắc, khó khăn đối với tất cả doanh nghiệp bất động sản.
“Nhiều doanh nghiệp đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay cao, bị rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí có nguy cơ phá sản...”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết có những dự án ông biết hiện nay đứng im lìm trong khi hàng ngày các doanh nghiệp phải trả tiền lãi vay ngân hàng. Điều này chính quyền thành phố biết và rất chia sẻ.
Lãnh đạo TP cho biết có nhiều vấn đề khi doanh nghiệp phản ánh lên sở chuyên ngành thì sở cũng không giải quyết được vì vướng nhiều văn bản pháp luật. Có những vấn đề là điểm nghẽn, ví dụ như trong Luật Đất đai…nhưng ngay bản thân Sở Tài nguyên - Môi trường cũng không dám “linh động” giải quyết vì sợ thanh tra “hỏi thăm sức khỏe”.