Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp kêu cứu vì container hải sản bị tắc ở cảng suốt nửa tháng

Gần 50 container hải sản, chủ yếu là cá ngừ đang bị ách tắc tại cảng gần nửa tháng qua. Các doanh nghiệp đã kêu cứu với Bộ Nông nghiệp tháo gỡ khó khăn và giải tỏa sự ùn ứ này.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số doanh nghiệp thủy sản trong nước đã phản ánh về việc toàn bộ container hải sản, chủ yếu là cá ngừ nhập khẩu của họ đang bị tắc tại cảng từ ngày 3/11.

Mất đơn hàng vì container bị ách tắc

Các doanh nghiệp kêu cứu với VASEP gồm Havuco (Khánh Hòa), Bidifisco (Bình Định), Hải Nam (Bình Thuận), Amanda Foods (Đồng Nai), Highland Dragon (Bình Dương) và Everwin Industrial (TP.HCM).

Theo phản ánh, trong vòng 13 ngày sau khi Cục Thú y (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ra văn bản điều chỉnh kiểm dịch nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt được đóng container tại cảng trung chuyển nước ngoài, gần 50 container hải sản của 6 doanh nghiệp này bị ách tắc tại cảng.

Doanh nghiep keu cuu vi container hai san bi ach tac o cang suot nua thang anh 1
Dù có nhiều nguồn trong nước, các doanh nghiệp vẫn phải nhập từ nước ngoài để đảm bảo sản xuất và xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp tính toán, số tiền lưu công, lưu bãi thời gian qua lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, còn gần 200 container khác đang trên đường về và sẽ cập cảng trong tháng 11 và 12 tới, có nguy cơ không thể thông quan.

Công ty TNHH Hải Vương (Havuco) cho biết do nguồn cung trong nước không đủ sản xuất phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp này phải nhập khoảng 220 container cá ngừ mỗi tháng. Tuy nhiên, trước tình hình này, công ty có thể tạm hoãn 280 container cá ngừ, tương đương khoảng 7.000 tấn. Hợp đồng này đã được Havuco ký cho đơn hàng vào tháng 12 năm nay.

Trong tháng này, Amanda Foods (Đồng Nai) đã giảm 25% so với kế hoạch sản xuất do thiếu nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài về. Công ty đã báo ngay tình hình với khách hàng và giảm xuất nhập khẩu.

Tương tự, Everwin Industrial cũng đã từ chối nhập 800 tấn hải sản từ đối tác, Bidifisco (Bình Định) là 18 container. Cùng chung cảnh ngộ, các doanh nghiệp còn lại đã chủ động ngưng ký hợp đồng nhập khẩu khi vừa có văn bản của Cục Thú y.

Tại sao container thủy sản không thể thông quan?

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết nguyên nhân của việc container tại các cảng bị ách tắc và không thể thông quan là do văn bản được ký bởi Cục Thú y vào ngày 13/11.

Doanh nghiep keu cuu vi container hai san bi ach tac o cang suot nua thang anh 2
Theo các doanh nghiệp, việc ùn ứ container tại cảng không thể thông quan làm ảnh hưởng tình hình kinh doanh. Ảnh minh họa.

Văn bản này yêu cầu đưa các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt được đóng container tại các cảng trung chuyển nước ngoài không có giấy chứng nhận an toàn kiểm dịch hoặc an toàn thực phẩm Health Certificate (H/C) vào diện không được thông quan như trước. Theo đó, Cục này sẽ tổng hợp để xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Trước đó, cuối tháng 9, Cục Thú y cũng có công văn yêu cầu việc kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công xuất khẩu từ tàu đánh bắt nước ngoài.

Theo VASEP, trong thời gian 3 tuần thực hiện công văn này, nhiều container cũng đã bị lưu bãi tại đây với tổng chi phí gần 600 triệu đồng, chưa tính chất lượng hàng hóa bị hư hỏng do là hàng thủy sản và bị phạt hợp đồng chậm giao hàng cho đối tác.

Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp liên quan, Cục thú y đã cho toàn bộ container hàng thủy sản bị ách tại cảng do thiếu Giấy chứng nhận H/C từ cuối tháng 9/2018 được giải phóng.

Những lô hàng đã cập cảng hoặc đang trên đường về không kịp bổ sung giấy chứng nhận, Chi cục thú y cũng khẩn trương thực hiện kiểm dịch cho doanh nghiệp thông quan.

Tuy nhiên, sau đó ngày 3/11, Cục này lại ra văn bản điều chỉnh, sửa đổi khiến gần 50 container thủy sản của 6 doanh nghiệp trên bị tắc tại đây gần nửa tháng qua.

Doanh nghiệp cầu cứu

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay hoạt động nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ các tàu khai thác thường được gọi là “hàng tàu”. Đây là hoạt động bình thường mà các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu hơn 10 năm qua.

“Do các lô hàng này chỉ chuyển tải trung gian qua cảng của các quốc gia nên cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia có cảng này không thể cấp giấy H/C cho các lô hàng. Do đó, toàn bộ các lô hàng này không thể có giấy H/C kèm theo để nộp cho Cơ quan thú y khi nhập khẩu vào Việt Nam”, đại diện VASEP cho hay.

Trước những phản ánh cấp bách của các doanh nghiệp, ngày 13/11, Hiệp hội này đã gửi công văn tới Bộ NN&PTNN kiến nghị giải quyết các vướng mắc trong kiểm dịch nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt vận chuyển bằng container về Việt Nam.

Theo đó, VASEP kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có chỉ đạo cấp bách Cục Thú y giải quyết ngay việc kiểm dịch để giải phóng các lô hàng của DN đang ách tắc nằm tại cảng theo các quy định pháp luật cho đến khi có thông tư thay thế nhằm giảm bớt thiệt hại và tạo điều kiện ổn định sản xuất cho doanh nghiệp.


'CPTPP là cơ hội cho Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung'

Đại biểu Quốc hội cho rằng CPTPP là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra khó lường.

Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm