Chị Nguyễn Thị Thủy, một trong những hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ thuộc khu vực ấp Bình Đức 1, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết: Mặc dù đã bước vào thời điểm thu hoạch nhưng vẫn còn gần 1 nghìn con cá lăng các loại đang được nuôi giữ và chưa xuất bán được.
Theo chị Thủy, so với mọi năm, giá quá lăng năm nay xuống thấp gần một nửa khiến hầu hết người cá lăng trên long hồ thủy điện Thác Mơ đều không mặn mà với việc xuất bán cho thương lái.
“Cụ thể, theo giá thị trường hiện tại, giá cá lăng năm nay chỉ có giá 42 ngàn/kg. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá cá lăng đã là 65 - 70 ngàn/kg. Với giá cả như hiện tại, mặc dù vẫn được thương lái thu mua nhưng các hộ nuôi cá không muốn bán vì nếu bán thì không có lời, thậm chí bị lỗ nặng”, chị Thủy chia sẻ.
Cá lăng nuôi bè ở hồ Thác Mơ. Ảnh: baobinhphuoc.vn |
Cạnh bè cá của gia đình chị Thủy, ông Nguyễn Văn Thâu đang thoăn thoắt gỡ những con cá mồi ra khỏi mắt lưới sau một đêm lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ trở về. Những con cá mồi này sẽ được sử dụng làm thức ăn cho đám cá lăng đang nuôi giữ trong lồng.
Ngày nào cũng vậy, từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau, ông Thâu đều cùng vợ đi giăng lưới khắp khu vực lòng hồ những mong kiếm được đủ số cá mồi nuôi cá. Nhưng không phải hôm nào cũng may mắn khi nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng ít dần.
Tâm trạng buồn bã, ông Thâu cho biết: “Nuôi cá lăng cũng có lời được đồng ra đồng vào nhưng đó là so với thời điểm giá cá ở mức chấp nhận được. Chứ giá cá như thời điểm hiện tại thì người dân nuôi cá lồng thu về hòa vốn đã là mừng lắm rồi. Giá cá thấp, người dân không có lời nên cũng không có tiền mua thức ăn để đầu tư cho cá”.
Những hộ nuôi cá lồng như ông Thâu, chị Thủy đều là các hộ dân trở về từ bên kia biên giới Campuchia, không một mảnh đất cắm dùi, số tiền trong tay cũng ít ỏi nên phải chọn lòng hồ làm nơi sinh sống, mưu sinh, thậm chí bè cá cũng là nhà.
Họ nuôi cá chủ yếu bằng nguồn thức ăn từ tự nhiên mà không sử dụng thức ăn công nghiệp. Vậy nên, thời gian thu hoạch thường phải kéo dài gấp đôi so với bình thường.
“Nuôi cá kiểu này lâu lớn lắm. Người ta nuôi 4, 5 tháng chứ mình phải nuôi cả năm hơn. Mà bây giờ thương lái cũng không chuộng cá nhỏ, cá phải qua 3 kg người ta mới chuộng. Thời gian nuôi càng lâu hơn nữa. Nếu mà giá cá cao thì một năm cũng được mười mấy, hai chục triệu chứ giá thấp vậy thì mình cũng khó”, ông Thâu cho biết!
Chúng tôi dạo một vòng qua các hộ nuôi cá lồng ở khu vực xung quanh, lồng cá nào cũng còn khá lớn lượng lớn cá đang được các hộ dân nuôi giữ. Dù biết cá nuôi giữ sẽ tốn thêm thức ăn đồng thời không đảm bảo được trọng lượng nhưng họ đành chấp nhận. Bởi ai cũng hi vọng mức giá sẽ “nhích” lên chút đỉnh trong thời gian tới để cứu lấy phần nào lợi nhuận còn hơn là bán giá rẻ khi bao nhiêu công sức, tiền của đều đã đổ vào lồng cá.
Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Đức Hạnh, hiện đã có trên 10 hộ dân theo nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ. Mỗi hộ đều nuôi từ 3 - 4 ngàn con, chủ yếu là các lăng (bình quân mỗi con 1 kg) với hàng chục tấn cá đang nuôi ở các lồng bè.Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, giá cá bắt đầu xuống thấp, nhất là cá lăng khiến nghề nuôi cá bấp bênh rủi ro.
“Giá cá có xuống thấp mình cũng phải ráng theo chứ bây giờ cũng đâu có biết làm nghề gì để sống. Không có tiền thì phải đi vay nợ bên ngoài thôi”, ông Nguyễn Tấn Nam, một hộ dân nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Duy Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, để hỗ trợ người dân trong thời điểm khó khăn, hàng năm, hội nông dân xã Đức Hạnh đều phối hợp với trung tâm thuỷ sản hỗ trợ cá giống về cho các hộ dân. Điển hình như năm vừa qua, đã có 3 hộ dân được nhận con giống hỗ trợ.
“Ngoài việc hỗ trợ cá giống, địa phương, hội nông dân cũng sẽ hỗ trợ thêm trong vấn đề vay vốn để góp phần duy trì nghề nuôi cá ở địa phương”, ông Hòa cho biết thêm.