Khác với sự sôi động vào ban ngày, các chợ hoa nổi tiếng ở Hà Nội, Sài Gòn như Quảng An, Quảng Bá, công viên 23/9, bến Bình Đông, công viên Gia Định im ắng hơn vào đêm khuya.
CẢNH ĂN NGỦ BÁN HOA TẾT ĐÊM Ở HÀ NỘI, SÀI GÒN
Khác với sự sôi động vào ban ngày, các chợ hoa nổi tiếng ở Hà Nội, Sài Gòn như Quảng An, Quảng Bá, công viên 23/9, bến Bình Đông, công viên Gia Định im ắng hơn vào đêm khuya.
Để có được những cành mai, đào rực rỡ sắc màu bày bán ở chợ hoa ngày Tết, người nông dân đã phải vất vả chăm sóc trong điều kiện khí hậu khó khăn, còn các tiểu thương cũng phải ngày đêm vận chuyển, trông giữ.
Anh Nguyễn Thành làm nghề bán hoa kiểng tại chợ hoa Tết công viên Gia Định (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã nhiều năm nay. Tiểu thương này đến từ huyện Ninh Hoà (Khánh Hoà), địa phương nổi tiếng với nghề trồng hoa cúc nơi được xem là vựa hoa cúc Tết trọng điểm ở khu vực Nam Trung Bộ.
Quệt mồ hôi sau khi khiêng gần 100 chậu hoa cúc to từ chiếc xe tải 15 tấn mới từ Khánh Hoà về lúc 23h, anh Thành chia sẻ vẫn chưa hết bất ngờ khi năm nay, các chậu cúc vẫn phát triển tốt, cho hoa to và mang màu vàng tươi. Chỉ mới cách đây vài tháng, cơn bão số 12 (bão Damrey) đã đổ bộ trực tiếp vào quê hương anh, tàn phá không biết bao nhiêu nhà cửa và hoa màu. Anh đã nghĩ, có lẽ năm nay sẽ không tìm được đủ hoa cúc để bán. Thế nhưng, bằng động lực phi thường, người dân Ninh Hoà vẫn khôi phục được vụ mùa, chăm bón lại những cây con để cho ra những chậu cúc thành phẩm, bày bán ở chợ như ngày hôm nay, dù đổi lại, giá thành của chúng Tết này vẫn tăng vọt.
Không chỉ cúc Ninh Hoà chịu ảnh hưởng của thiên tai khiến quá trình trồng trọt gặp khó khăn. Khắp nơi trên cả nước, từ Bắc chí Nam, người nông dân trồng hoa đã phải đối diện với một vụ mùa lao đao vì thời tiết.
Đêm khuya ở chợ hoa Tết công viên Gia Định (Q.Phú Nhuận).
Xe hàng từ huyện Ninh Hoà (tỉnh Khánh Hoà) về trong đêm.
Giá hoa kiểng Tết tăng cao do thời tiết
Bọc lưới lên những bông hoa ly đắt giá, anh Giang (Tây Tựu, Hà Nội) buồn bã cho biết 2 năm vừa qua, hoa ly nở sớm, từ rằm tháng Chạp đã bung đỏ hết các vườn. Người dân thua lỗ nặng vì giá bán rằm tháng Chạp chỉ bằng một nửa hay một phần ba dịp Tết.
Rút kinh nghiệm, năm nay người dân trồng muộn lại 20 ngày. Nhưng thời tiết lại lạnh bất thường, 26 Tết rồi nhưng cả làng có đến 2/3 hoa chưa nở. Cả tháng 1 đầu năm Dương lịch, những người dân Tây Tựu đã ăn ngủ ở ruộng hoa ly. Còn một tuần nay, điện được thắp sáng liên tục để kích thích hoa nở sớm, nhưng cũng chẳng ăn thua. Giá hoa lên cao gấp rưỡi, gấp đôi năm ngoái, từ 35.000-40.000 đồng/cây hoa ly 5 tai, nay đã lên đến 60.000-70.000 đồng.
Nhiều nhà vườn tiếc đứt ruột vì giá cao nhưng không có hoa để bán, trong khi vốn đầu tư mỗi sào lên đến vài chục triệu đồng. Nhà nào trồng một, hai mẫu thì không những mất Tết mà còn có thể mất cả nhà.
Anh Giang (người trái) vừa bọc lưới vào những bông hoa ly vừa kể về câu chuyện trồng hoa ở làng Tây Tựu của mình. Anh cho rằng: "Mình không trồng hoa lại là một điều may mắn".
Do nở muộn, nên hầu hết hoa ly của Tây Tựu đều chưa kịp ra đến chợ trong dịp Tết Nguyên đán. Nếu để ra giêng, giá hoa có thể sẽ tụt xuống chỉ còn một nửa.
Nguồn cung thấp đẩy giá hoa lên cao. Sáng 26 tháng Chạp, giá một cây hoa ly 5 tai là 60.000-70.000 đồng, một bông hoa cúc khoảng 5.000-6.000 đồng, hoa lay ơn khoảng 12.000 đồng. Các loại hoa mới như hoa đỗ quyên ngủ đông có giá 60.000 đồng/bó, hoa thanh liễu 300.000 đồng/cây.
Đặc biệt, dịp Tết trùng với ngày lễ tình nhân Valentine nên giá hoa hồng hiện rất cao: thấp nhất là 10.000 đồng/bông hồng ta và có thể tăng lên gấp rưỡi cho đến ngày 29 tháng Chạp (14/2).
May mắn hơn những người trồng hoa Tây Tựu, người trồng đào Nhật Tân năm nay đã có hoa nở đúng tết hơn. Năm ngoái, thời tiết nóng khiến đào nở sớm khiến cho người dân nơi đây khốn đốn.
Valentine trùng với dịp Tết Nguyên đán nên giá hoa hồng bị đẩy lên rất cao.
Hoa hồng ta có giá 10.000 đồng/bông vào ngày 26 Tết và có thể tiếp tục tăng cao.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều chợ hoa Tết tại TP.HCM. Anh Nguyễn Thành, bán cúc kim cương tại chợ hoa Tết công viên Gia Định cho biết do nguồn cung hoa từ Ninh Hoà năm nay khan hiếm nên đẩy giá hoa lên cao hơn nhiều so với các năm trước. Giá một cặp cúc Ninh Hoà được bán với giá 800.000 đồng.
Cũng như vậy, anh Nguyễn Hoàng Tú, bán hoa kiểng đến từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chia sẻ do năm nay mưa trái mùa rất nhiều và diễn ra ở thời điểm sát Tết nên hoa bị thất mùa, dẫn đến giá cả tăng cao. Trong đó, giá một cặp cúc mâm xôi là 300.000 đồng, cúc đại đoá 250.000 đồng/cặp, sống đời giá 300.000 đồng/cặp, mồng gà 300.000 đồng/cặp, dạ thảo 300.000 đồng/cây...
Hoa mồng gà có giá 300.000 đồng/cặp. Hoa mai từ một nhà vườn ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) đang đươc vận chuyển từ thuyền lên chợ hoa bến Bình Đông. Giá một cây mai dao động từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng.
Nếu mai không được bán hết, nhà vườn sẽ mang hoa về nuôi dưỡng và tiếp tục bán vào năm sau.
Một cặp hoa Vạn Thọ được bán với giá 250.000 đồng tại chợ hoa Tết công viên Gia Định, TP.HCM.
Gian nan vận chuyển và bảo quản hoa
Không chỉ người nông dân khó khăn trong việc trồng hoa, con đường vận chuyển hoa từ nhà vườn đến các chợ tại Hà Nội và TP.HCM cũng gian nan không kém.
Lần đầu mang cây quất Bắc vào Nam bán, anh Vũ Văn Thuỷ, đến từ Nam Định cho hay giá vận chuyển cây bằng xe tải từ Bắc vào Nam quá đắt. Chỉ riêng chi phí chuyển hàng, bảo dưỡng, chăm sóc một cây cũng đã lên đến gần 500.000 đồng. Vì thế, giá mỗi cây quất được anh bán với giá 2 triệu đồng. Do loại cây này còn khá lạ lẫm với thị trường miền Nam nên sức mua trong những ngày qua tương đối chậm. Và nếu đến 30 Tết cũng không bán được. “Tôi sẽ gửi cho bạn nhờ bán tiếp chứ biết sao giờ”, anh Thuỷ lo lắng.
Anh Vũ Văn Thuỷ (Nam Định) lần đầu vào Sài Gòn bán quất Bắc. Anh khá lo lắng về đầu ra của loại cây này.
Giá một chậu quất sai quả được bán với giá 2 triệu đồng.
Xe tải chở hoa kiểng từ các tỉnh ồ ạt về chợ hoa Tết công viên Gia Định trong đêm...
... và được bốc dỡ hàng đến địa điểm bán.
Thuyền chở hoa mai từ huyện Bình Chánh về chợ hoa bến Bình Đông trong đêm.
Không chỉ giá vận chuyển bằng xe tải cao, các tiểu thương tại chợ hoa Tết còn phải giải quyết bài toán bốc hàng xuống khi xe đến chợ. Đó là lý do nghề bốc hàng từ xe tải được ra đời trong dịp Tết.
Nhóm bạn của Mai Thành Quang (20 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đã làm công việc này được 4 năm nay. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhóm bạn 5-6 người này lại túc trực xuyên đêm các chợ hoa Tết để bốc hàng mướn cho các tiểu thương. Tuỳ theo kích cỡ của xe tải, mỗi lần bốc hàng, nhóm bạn lấy phí từ 400.000-500.000 đồng hoặc tuỳ theo kích cỡ cây, từ 7.000 - 15.000 đồng/cây. Làm việc liên tục từ 23 đến 29 Tết, nhóm bạn chia nhau mỗi người được hơn 1 triệu đồng.
Nhóm bạn trẻ ở Q.Gò Vấp làm công việc thời vụ, chuyên bốc dỡ hoa kiểng từ xe tải xuống cho nhà vườn.
Giá dịch vụ dao động từ 400.000-500.000 đồng/xe. Sau khi làm việc từ 23 đến 29 Tết, mỗi người kiếm được hơn 1 triệu đồng để tiêu Tết.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện thuê người bốc hàng. Ông Nguyễn Hoà, tiểu thương tại chợ hoa Tết Gia Định vẫn phải vác hơn 100 chậu hoa cúc cao quá nửa người lớn từ xe tải xuống, dù năm nay ông đã 58 tuổi.
“Mình phải tiết kiệm từng chi phí vì năm nay giá hoa cao, nếu đẩy giá hoa cao nữa thì sẽ bán rất chậm”, ông Hoà vừa nói vừa chấm những giọt mồ hôi nhễ nhại giữa đêm khuya vì khiêng hàng.
Ông Nguyễn Hoà (58 tuổi) khệ nệ khiêng từng chậu hoa xuống xe tải.
Chuyến hàng này, xe tải chở về gần 100 cây hoa cúc.
Gương mặt nhễ nhại mồ hôi của ông Nguyễn Hoà sau khi khuân hàng lúc nửa đêm.
Trong khi đó, tại chợ Quảng Bá, bên xe hoa đông lạnh, anh Vũ Đại Khanh chia sẻ: “Tranh thủ dịp tết, năm nào gia đình tôi cũng đánh 2-3 xe hoa lay ơn Đà Lạt về chợ hoa Quảng Bá bán. Vất vả nhất là những lúc cào đá, bê những bó hoa đông lạnh trong đêm Hà Nội 14-15 độ C, nước ngấm vào người, lạnh cóng”.
Vũ Đại Khanh (áo đỏ) ngừng tay bên đống đá lạnh để bảo quản hoa lay ơn chở ra từ Đà Lạt.
Từ chợ hoa Quảng Bá, những người bán lẻ dùng xe đạp, xe máy mang hoa đi bán ở các chợ nhỏ trên khắp địa bàn Hà Nội.
Vốn đã quen với thức đêm nhưng những người bán hoa ở chợ Quảng Bá vẫn không chịu nổi cơn buồn ngủ. Anh Hà vừa tỉnh dậy bên chiếc ghế dựa chia sẻ: “Năm nào cũng thế, Tết đến là xác định thức trắng 5-7 ngày liền”. Người ta chỉ bán đêm còn đỡ, anh bán cả đêm lẫn ngày. Mỗi ngày chỉ thiếp đi hay ngồi “bổ củi” một hai tiếng.
Những người ngủ gật rải rác khắp nơi trong chợ. Họ ngủ dựa lưng vào ghế, gục mặt xuống bàn hay nằm cuộn tròn trong các thùng giấy. Nhiều hộ bán hoa phân ca để thay nhau thức. Có người về nhà trọ ngủ, có người ngủ ngay tại chợ. Những ngày giáp Tết, lượng hoa bán ra cao gấp 3-5 lần ngày thường, giá cả lại tăng cao, chỉ một sự sai sót do buồn ngủ cũng có thể gây hậu quả lớn.
Anh Hà đã gần như thức trắng 3 đêm nên mỗi khi vắng khách, anh liền tranh thủ dựa lưng vào ghế để ngủ.
Một người bán hàng ngồi ngáp trong khi đợi bạn ra đổi ca. Anh chia sẻ ngày Tết hàng bán chạy gấp 2-3 ngày thường nhưng cũng phải thức nhiều đêm liên tục nên rất mệt mỏi.
Những thùng giấy được tận dụng làm chỗ ngủ ở khắp mọi nơi trong chợ hoa Quảng Bá.
Tương tự, giấc ngủ của những người bán hoa kiểng tại các chợ Tết ở TP.HCM cũng mang muôn hình vạn trạng. Khác với sự sôi động vào ban ngày, các chợ Tết nổi tiếng ở Sài Gòn như chợ hoa công viên 23/9, chợ hoa bến Bình Đông, chợ hoa công viên Gia Định trở nên im ắng hơn vào đêm khuya.
Bất cứ ở đâu trong chợ, người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những tiểu thương ngủ bằng mọi hình thức. Họ mắc võng vào gốc cây, mắc mùng (màn) vào xe máy, nằm bệt xuống bãi cỏ hoặc xuống đường đi... để trông giữ hàng.
Cá biệt, có gia đình còn cử người túc trực bên hoa 24/24h. Ngồi trông những chậu hoa cúc lúc 3h sáng tại chợ hoa công viên Gia Định, bà Đặng Thị Mỹ Dung (Đồng Tháp) cho biết sẽ ngồi tại đây đến 5h sáng rồi mới có người ra thay để về ngủ.
Tương tự, gia đình của bà Lê Thị Thu Hằng (Bến Tre) đã thuê luôn một căn nhà gần điểm bán ở chợ hoa bến Bình Đông vật vờ qua đêm.
Bà Đặng Thị Mỹ Dung (Đồng Tháp) ngồi canh hoa suốt đêm.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Công (Bến Tre) tranh thủ tỉa những cành mai trong đêm tại chợ hoa bến Bình Đông.
Tại chợ hoa công viên 23/9, nhiều người vẫn làm việc suốt đêm. Họ dùng loa thùng, mở nhạc trong khi làm việc.
Khách hàng thưa thớt, người bán sốt ruột
Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương tại các chợ hoa Tết, tình hình buôn bán hoa kiểng trong những ngày qua tương đối ảm đạm. Hoa đẹp nhưng giá lại tăng cao khiến nhiều người có tâm lý e dè, đi ngang chỉ ngắm và hỏi giá chứ không mua. Đa số người mua hoa vẫn giữ hay chờ đến những ngày cuối cùng, thậm chí là 30 tháng Chạp, để mong chờ mua được hoa rẻ, hoa đại hạ giá và quan trọng nhất là tươi lâu trong những ngày Tết.
Giá hoa cao làm những người mua hoa bán lẻ đắn đo hơn. Khách hàng mặc cả nhiều nên sức bán cũng chậm hơn mọi năm.
Người bán hàng mong mỏi người dân sẽ bớt kỳ kèo vì giá hoa năm nay vốn đã rất đắt đỏ.
26 Tết, quang cảnh chợ hoa Quảng Bá vẫn chưa thực sự nhộn nhịp.
Lác đác trong những ngày qua tại các chợ hoa ở TP.HCM, vẫn có người tìm mua hoa nhưng hầu hết là những cây nhỏ và số lượng không nhiều. Đi dạo chợ lúc 0h, hai chị em Nguyễn Thị Ngọc Tài và Nguyễn Thị Ngọc Thương cho biết vừa hoàn thành xong công việc tại cửa hàng làm nail của mình. Hai chị em chọn được một chậu cúc mâm xôi với giá 150.000 đồng để trang trí cho cửa hàng. Trong khi đó, tại chợ hoa công viên 23/9, Hà Quỳnh Trúc và Quách Kim Ngân cũng đã chọn được một chậu mai với giá 150.000 đồng sau khi kết thúc công việc lúc 2h sáng.
Hiếm hoi lắm, một tiểu thương bán mai tại chợ hoa Tết công viên Gia Định mới bán được một chậu hoa giá cao. Ông Võ Văn Minh, chủ vựa hoa mai (đến từ quận 12) cho biết năm nay giá hoa tăng cao và chậu hoa 13 triệu ông vừa bán được là khá hiếm.
“Nhiều người thường chọn phương án thuê mai, giá khoảng 1/3 giá trị cây mai, qua mùa Tết gửi lại nhà vườn”, ông Minh cho hay.
Cũng như vậy, Quách Kim Ngân (giữa) và Hà Quỳnh Trúc (phải) tìm mua mai tại chợ hoa Tết công viên 23/9 sau khi kết thúc công việc lúc 2h sáng.
Hai chị em Nguyễn Thị Ngọc Tài và Nguyễn Thị Ngọc Thương tìm mua hoa lúc 12h đêm tại chợ hoa công viên Gia Định. Họ chọn được một chậu cúc mâm xôi để trang trí cho cửa hàng của mình.
Anh Võ Văn Hoà cùng bạn mua hoa giấy tại chợ hoa bến Bình Đông lúc 4h sáng.
Cây mai 13 triệu đồng hiếm hoi được bán ngay trong đêm tại chợ hoa công viên Gia Định.
Anh Nguyễn Thành (bìa trái) ngồi nghỉ cùng đồng nghiệp sau khi vận chuyển hàng trong đêm.
Tiểu thương ở chợ hoa bến Bình Đông phải trèo qua bờ kè mỗi khi di chuyển từ thuyền lên chợ.
Ngồi nghỉ uống nước sau khi khuân hàng lúc nửa đêm, anh Nguyễn Thành tâm sự: “Tôi thấy trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm kêu gọi người dân mua hoa sớm để ủng hộ người bán hoa, không biết có thật không. Tôi chỉ mong bà con sớm mua hoa để chơi Tết, đừng mang tâm lý đợi giờ chót, khổ người nông dân lắm”.
Là đầu mối cung cấp hoa tươi cho toàn thành phố, chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM) luôn đông đúc người mua kẻ bán bất kể đêm ngày. Sát 8/3, chợ hoa này càng nhộn nhịp.
27 tháng Chạp, thương lái đổ xô về làng quê Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) mua các loại hoa cúc đồng tiền, biểu tượng của tài, lộc, mang về bán cho người dân chưng Tết.