Chính phủ đánh giá thị trường bất động sản năm nay tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải được chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/2.
Đến nay, ghi nhận của Zing cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đã chuẩn bị các cuộc họp nội bộ và với các doanh nghiệp bất động sản để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và lắng nghe ý kiến đề xuất, nhằm chuẩn bị cho hội nghị này.
Cũng trong Nghị quyết lần này, Chính phủ nhắc lại yêu cầu NHNN tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 03 ban hành ngày 27/1.
Trong khi đó, Bộ Tài chính được giao sớm hoàn thiện để trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10/2.
Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm nay.
Đồng thời, cơ quan này phải chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” theo đúng quy định nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Ngoài ra với NHNN, Chính phủ yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, trong đó khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
NHNN đồng thời có chính sách điều hành tỷ giá phù hợp, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Song song đó, Chính phủ nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng phải được điều hành hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Nghị quyết lần này của Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục chuyến biến tích cực, song hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu... bị ảnh hưởng do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo.
Thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là về thanh khoản, dòng tiền, trái phiếu doanh nghiệp...
Dự báo khó khăn, thách thức thời gian tới sẽ nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhất là trong quý I và đầu năm, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.