Ngày 2/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Báo cáo tại phiên họp cho biết trong tháng 1, các bộ, ngành, quyết liệt, tập trung triển khai các nhiệm vụ năm 2023 ngay từ những ngày đầu năm. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng 12/2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực, đến ngày 17/1 tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp Tết Nguyên đán.
Đáng chú ý, trong phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2 này.
Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Không để thiếu hụt năng lượng
Về kiểm soát lạm phát, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần chú trọng nhóm trong "rổ hàng" tác động lớn đến lạm phát, như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng. Thủ tướng đề nghị điều hành thận trọng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý việc khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh không được để thiếu hụt năng lượng; bảo đảm hệ thống phân phối, cung ứng xăng dầu; sớm sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu; giảm khâu trung gian. Đồng thời dứt khoát không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế; tự chủ về y tế.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không để thiếu hụt năng lượng. Bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian… Sớm sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Khẩn trương sửa đổi khung giá điện; điều chỉnh giá điện theo lộ trình phù hợp, không giật cục.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế