Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Sáng 14/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát biểu khai mạc, người đứng đầu Chính phủ cho rằng dù kinh tế Việt Nam có khởi sắc, tiến bộ, phục hồi nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Lãi suất cho vay vẫn cao
Về chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng). Bên cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn còn cao, nợ xấu có xu hướng tăng, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm.
Đặc biệt, một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả, chẳng hạn như gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, trong khi gói 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản lại giải ngân rất nhanh...
Về lãi suất, theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2 điểm % so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7 điểm %. Tuy nhiên, lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao.
Thủ tướng yêu cầu hội nghị làm rõ nguyên nhân vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm.
Dòng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vẫn chảy mạnh về các ngân hàng bất chấp lãi suất tiết kiệm giảm liên tục. Ảnh: Nam Khánh. |
"Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ. Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm", Thủ tướng đặt vấn đề.
Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn
Thủ tướng đề nghị các Chủ tịch, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại tập trung thảo luận, đưa ra đáp án, giải pháp cụ thể đối với các vấn đề về lãi suất, tỷ giá để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu giải đáp về tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. "Từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa. Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh", Thủ tướng đặt vấn đề.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tìm ra giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...
Thủ tướng cùng các đại biểu tham dự Hội nghị sáng 14/3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
"Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp. Cần có những công cụ gì. Chẳng hạn như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thủ tướng lưu ý.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 22/2, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 1,12% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ, chỉ số này tăng 0,71%.
Trước đó, dư nợ tín dụng trong toàn nền kinh tế cũng đã giảm 0,6% trong tháng 1. Như vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng đi lùi trong tháng 2 vừa qua.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong một thập niên gần nhất số dư tín dụng toàn nền kinh tế mới ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm. Lần gần nhất diễn biến này được ghi nhận là vào năm 2014, khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 2 tháng đầu năm cũng ở mức âm 1,16%.
Lý giải vấn đề này, tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra chiều 2/3, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết việc tăng trưởng tín dụng vẫn âm trong 2 tháng đầu năm chủ yếu do tính mùa vụ. Trong đó, tăng trưởng tín dụng tháng 12/2023 lên tới 4,35%, trong khi tháng 1 và 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng giảm do nhu cầu vay vốn giảm.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.