Trong một tuyên bố trên truyền hình, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết ông đã chỉ thị quân đội và cảnh sát làm "những gì cần thiết để lập lại trật tự", AFP đưa tin.
Cảnh sát đã ném hơi cay và xịt vòi rồng để giải tán người biểu tình. Cùng với đó, tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm trên toàn quốc được ban bố, nhưng cũng không ngăn được đám đông tràn vào tòa nhà.
Nhiều nhân viên an ninh có vũ trang đứng một bên khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào trong khuôn viên văn phòng của thủ tướng để đòi cả thủ tướng lẫn tổng thống từ chức. Một số cầm cờ quốc gia, phá phách và chụp ảnh.
"Về nhà đi Ranil, về nhà đi Gota", họ hét lên.
Một người biểu tình đã thiệt mạng do ngạt thở vì hơi cay, cảnh sát cho biết.
Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình ở văn phòng thủ tướng Sri Lanka hôm 13/7. Ảnh: AFP. |
Những người biểu tình khác đã có lúc xông vào các hãng truyền hình nhà nước, khi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị kéo dài nhiều tháng của đất nước dường như đang chuyển sang giai đoạn xấu nhất.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, 73 tuổi, đã hứa hồi cuối tuần trước sẽ từ chức vào ngày 13/7. Sau khi trốn khỏi dinh thự chính thức của chính mình ở Colombo ngay trước lúc hàng chục nghìn người biểu tình kéo tới, ông đã bay đến Maldives vào đầu ngày 13/7.
Tuy nhiên, vẫn chưa có thông báo từ chức nào từ ông Rajapaksa dù bây giờ Sri Lanka đã bước sang ngày 14/7.
Trong khi vắng mặt khỏi đất nước, ông chỉ định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền tổng thống.
Wickremesinghe, cũng 73 tuổi, sẽ trở thành quyền tổng thống nếu ông Rajapaksa từ chức, nhưng bản thân ông tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu đạt được sự đồng thuận về việc thành lập một chính phủ đoàn kết.
"Chúng ta không thể xé bỏ hiến pháp của mình", ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng nhà nước phải thiết lập lại quyền kiểm soát đối với các tòa nhà hành chính bị người biểu tình chiếm đóng.