Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng sốt ruột vì chưa có cơ chế xử lý với tiền số

Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam chưa công nhận tiền số nhưng thực tế vẫn có giao dịch. Vì vậy phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp và nên giao Chính phủ quy định.

Thảo luận dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) tại phiên họp tổ chiều 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi chưa có quy định liên quan đến kiểm soát tiền mã hóa (tiền số/kỹ thuật số).

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH An Giang Trình Lam Sinh phản ánh hiện nay, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ… thực tế còn rất nhiều loại giao dịch khác.

Chưa công nhận, nhưng tiền mã hóa được giao dịch rất nhiều

“Tiền số hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận, nhưng thực tế có giao dịch và giao dịch rất nhiều”, ông Sinh lo ngại đây có thể trở thành điểm rửa tiền nhiều nhất để tài trợ cho các loại tội phạm như tội phạm khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt… rất nguy hiểm. Vì thế, vị đại biểu đề nghị bổ sung loại hình giao dịch tiền mã hóa vào luật.

Cho ý kiến về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính giải thích do chúng ta chưa công nhận tiền mã hóa nên chưa quy định vào luật.

giao dich tien ao anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 24/10. Ảnh: Minh Châu.

Song, người đứng đầu Chính phủ cũng đồng tình với nhiều đại biểu về thực tế dù không được công nhận, đồng tiền này vẫn được sử dụng ở Việt Nam.

“Dù không có chế tài xử lý thì thực tế vẫn diễn ra, thay đổi và diễn biến nhanh”, Thủ tướng chia sẻ ông cũng sốt ruột về việc này.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp và nên giao Chính phủ quy định liên quan việc giao dịch tiền mã hóa.

Đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cũng cho rằng dự luật đang thiếu quy định chống rửa tiền liên quan tới tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số. Ông cảnh báo đây có thể là kẽ hở của rửa tiền nếu chúng ta không quan tâm, quy định.

“Chính phủ giải trình vì tiền này chưa được công nhận nên không đưa vào luật, nhưng không đưa vào luật sẽ là kẽ hở. Ví dụ có tình trạng dùng tiền thật mua tiền mã hóa, rồi ra nước ngoài bán lượng tiền đó. Như vậy đương nhiên họ chuyển được lượng tiền ra nước ngoài thông qua hình thức này mà Nhà nước không quản lý được”, ông Vận phân tích.

Nhìn nhận tiền mã hóa do cá nhân phát hành, có “giá trên trời” và không phụ thuộc ngang giá đồng tiền, vị đại biểu đề nghị đưa vào luật để quản lý.

Tránh người dân chuyển tiền hợp pháp cũng bị coi là đáng ngờ

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ “rất lo” nếu thông qua dự luật trong kỳ họp này. Dù cần làm cho kịp yêu cầu của quốc tế, ông Nghĩa nói điều kiện của chúng ta, đặc biệt về quản lý tài chính ngân hàng, chưa bằng các nước.

Băn khoăn quy định liên quan “giao dịch đáng ngờ”, ông Nghĩa cho rằng chữ “đáng ngờ” rất rộng, ghi vào luật nếu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp.

giao dich tien ao anh 2

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM).

“Ví dụ tuần trước tôi gửi 5 tỷ, tuần này tôi có việc rút hết đó cũng có thể là đáng ngờ. Đề nghị ngay cả từ ngữ dịch thuật cũng cần thận trọng vì ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp rất nhiều. Người dân chuyển tiền cho con cái, cha mẹ... rất bình thường, rất hợp pháp cũng có thể bị coi là đáng ngờ”, ông Nghĩa nói.

Hơn nữa, theo ông Nghĩa, những quy định này còn phụ thuộc vào điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các nước đã quản lý việc này từ mấy chục năm nay nhưng Việt Nam chưa đạt được.

“Các nước dễ lắm, vào siêu thị mua đồ, móc vài nghìn USD ra trả là bất bình thường rồi. Ngay cả đi ăn uống, trả vài trăm USD bằng tiền mặt cũng đã kỳ rồi, nhưng ở ta không phải như vậy”, ông Nghĩa đề nghị thận trọng và thảo luận thêm nội dung này.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng có thể thay từ “đáng ngờ” bằng từ nhẹ nhàng hơn, vì nó chỉ là chỉ cấp độ quản lý. Ông góp ý nên có cơ chế phân định rõ ràng giữa ranh giới hành chính và hình sự liên quan đến hoạt động rửa tiền, tránh tình trạng lấy cớ không xử hình sự để xử lý hành chính, hoặc ngược lại, có những việc nên xử hành chính nhưng lại xử hình sự.

7 thủ đoạn tội phạm thường dùng để rửa tiền

Liệt kê các thủ đoạn rửa tiền thường được sử dụng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cảnh báo nếu không có hành lang pháp lý chặt chẽ, rất khó kiểm soát tình trạng này.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm