Thực tế trên được thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nêu ra trong phiên thảo luận tổ chiều 24/10, về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết theo thống kê, tội phạm rửa tiền qua 7 thủ đoạn.
Thứ nhất là thành lập công ty vỏ bọc mua bán khống hàng hóa. Ông dẫn chứng cơ quan điều tra đã làm rõ rất nhiều các công ty vỏ bọc để rửa tiền. Mới đây nhất là vụ Nguyễn Thị Nguyệt cùng đồng phạm câu kết với nhân viên 3 ngân hàng chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài thông qua việc thành lập tới 8 công ty để xuất khẩu hàng hóa.
“Quy định của Luật Phòng chống rửa tiền hiện nay liệu đã có hành lang pháp lý kiểm soát được việc thành lập các công ty vỏ bọc hay không? Theo tôi là chưa đủ”, ông Đức nói.
Thủ đoạn thứ hai vị đại biểu đề cập là rút tiền bẩn qua các trò chơi trực tuyến, người chơi dùng tiền mặt đổi ra thẻ, xèng để chơi, sau khi kết thúc lại đổi thẻ thành tiền mặt. Điển hình, Bộ Công an đã xử lý nhiều vụ như Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương. Ông Đức cũng nêu thực tế có những trường hợp dùng tiền bẩn chơi trò trực tuyến, đổi thành tiền mặt.
Thủ đoạn thứ ba là núp bóng, gây quỹ làm từ thiện, đi du lịch. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước không cho phép chuyển tiền ra nước ngoài quá 5.000 USD. Tuy nhiên, Nghị định 70/2014 đã không giới hạn số tiền chuyển với mục tiêu để nền kinh tế phát triển tốt lên.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, kẽ hở là các đối tượng lợi dụng chuyển tiền ra nước ngoài cho người thân qua các nền tảng giao dịch điện tử nên rất khó kiểm soát.
Minh chứng cho thực tế này, Phó chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng - An ninh nêu vụ việc một đối tượng ở quận 7 (TP.HCM) đi du lịch Bồ Đào Nha đã thông qua luật sư mở tài khoản ngân hàng tại đây để làm từ thiện. Chỉ trong 24 giờ, gia đình người này đã chuyển sang 200.000 euro.
“Do không bị giới hạn số tiền chuyển, đây là kẽ hở cần tính toán lại để kiểm soát tốt hơn”, ông Đức nói.
Thứ tư, ông cho biết thủ đoạn là chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được thừa kế. Dù chưa phổ biến, nhiều đối tượng sẽ lợi dụng người được thừa kế ở nước ngoài để chuyển thoải mái mà không bị ngăn chặn.
Thứ năm là thủ đoạn nhờ người thân mua, chuyển nhượng, tặng bất động sản.
Thứ sáu là thủ đoạn mua cổ phiếu, trái phiếu và cuối cùng là tài sản ảo, tiền ảo rộ lên gần đây, như Bitcoin. Tương tự thủ đoạn sử dụng trò chơi trực tuyến, các đối tượng dùng tiền bẩn mua tiền ảo, sau đó bán và rút ra tiền thật.
“Đây là 7 thủ đoạn phổ biến, nếu không tính toán và có hành lang chặt chẽ thì rất khó quản lý”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cảnh báo.
Góp ý vào dự án luật này tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hồi tháng 9, nhiều đại biểu nêu thực trạng thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Theo đại biểu, tiền ảo và tài sản ảo vẫn "lọt lưới" do Luật Phòng, chống rửa tiền chưa quy định nên lần sửa luật này phải tính đến cơ chế, hành lang pháp lý kiểm soát tốt hơn.
Đại biểu lo ngại tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố bằng tiền ảo
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung đối tượng quản lý là tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền.
Đánh bạc online, cạm bẫy ảo mất tiền thật ngoài đời
Đánh bạc online đang nở rộ khi xuất hiện nhiều website cho phép người chơi đặt cược ăn tiền.
Tướng công an khuyến cáo người dân cảnh giác khi đầu tư tiền ảo
Gần đây xuất hiện nhiều người nước ngoài tạo lập các sàn giao dịch tiền ảo, mời người dân đầu tư. Sau thời gian, số tiền tăng lên, đến một mức nào đó, kẻ gian đánh sập sàn.