Thông báo trên được Thủ tướng Manasseh Sogavare đưa ra sau khi có thông tin cho biết Mỹ đã được thông báo về lệnh tạm hoãn tất cả chuyến thăm của hải quân nước này, theo Guardian.
Động thái này xảy ra sau khi Honiara không chấp nhận yêu cầu cho một tàu Tuần duyên Mỹ cập cảng và tiếp nhiên liệu. Con tàu được chuyển hướng đến Papua New Guinea.
Ông Sogavare cho biết đã có sự chậm trễ trong việc xử lý phê duyệt của con tàu này và nó đã rời khỏi vùng biển của Solomon khi việc phê duyệt được đưa ra. Ông khẳng định sự chậm trễ là do thông tin thích hợp đã không được gửi đến văn phòng của ông đúng thời điểm.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Quần đảo Solomon đã dùng sự việc này để chứng minh cho lệnh tạm hoãn.
“Với mục tiêu đó, chúng tôi đã yêu cầu các đối tác cho chúng tôi thời gian để xem xét và đưa ra các quy trình mới, trước khi tiếp tục gửi thêm yêu cầu cho các tàu quân sự vào Solomon", ông Sogavare cho biết khi chào đón một tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ ở Honiara vào tối 30/8.
“Khi cơ chế mới được áp dụng, chúng tôi sẽ thông báo cho các vị. Chúng tôi dự đoán quy trình mới sẽ trơn tru hơn và kịp thời hơn”, ông nói thêm.
Tàu bệnh viện Mercy của Hải quân Mỹ đã cập cảng Honiara hôm 29/8 để thực hiện một nhiệm vụ kéo dài hai tuần.
“Tàu hải quân Mỹ Mercy đã được thông quan ngoại giao trước khi lệnh tạm hoãn được áp dụng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình”, tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Canberra cho biết.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese có kế hoạch tiếp người đồng cấp Quần đảo Solomon trong những tuần tới, khi Australia tìm cách tăng cường quan hệ với quốc gia Thái Bình Dương.
Quần đảo Solomon được cho là đang theo đuổi quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc. Quốc gia Thái Bình Dương này gần đây đã ký hiệp ước an ninh bí mật với Bắc Kinh.