Tên lửa Storm Shadow. Ảnh: Shutterstock. |
Theo đó, việc chuyển giao tên lửa Storm Shadow cho phía Ukraine đã không được công bố công khai. Việc chuyển giao được thực hiện cách đây vài tuần sau khi phía Ukraine được cho là cạn kiệt nguồn tên lửa tầm xa. Hoạt động này cũng được tiến hành trước khi Mỹ và Anh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do các nước này sản xuất để tấn công vào sâu trong lãnh thổ của Nga.
Đến nay, số lượng tên lửa Storm Shadow được phía Anh chuyển giao cho Ukraine cũng như thời điểm lô hàng này đến Ukraine vẫn chưa được nêu rõ, nhưng ước tính lên tới hàng chục.
Storm Shadow là loại tên lửa tấn công chiến thuật do tập đoàn MBDA sản xuất, được thiết kế để phá hủy các mục tiêu kiên cố như kho vũ khí, trung tâm sửa chữa và sân bay quân sự. Các phiên bản khác nhau của tên lửa Storm Shadow có tầm bắn từ 250 - 560 km.
Trước đây, Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadows cho các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các lực lượng của Liên bang Nga, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ, bao gồm cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen ở Bán đảo Crimea, khu vực bị Liên bang Nga sáp nhập năm 2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có bài phát biểu tuyên bố rằng Ukraine đã tấn công các mục tiêu ở khu vực Kursk và Bryansk trong ngày 19/11 bằng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh.
Sau đó, trong tuyên bố ngày 22/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Các hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ 2 tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất, 6 tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất và 67 máy bay không người lái (UAV)" trong cuộc tấn công ngày 19/11 vừa qua.
Cũng trong tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bình luận về thông tin được đăng tải trên Bloomberg về việc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow nhắm vào khu vực Kursk của Nga. Ông Peskov cho rằng: "Đây là một sự leo thang mới. Đây là lập trường rất vô trách nhiệm của chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden".
Để đáp trả việc sử dụng vũ khí của Mỹ và Anh, ngày 21/11, Nga đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik để tấn công vào cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine ở Dnepropetrovsk - nơi được cho là sản xuất công nghệ và vũ khí tên lửa.
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 25/11, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết Mỹ đang hỗ trợ Ukraine đánh giá tác động của cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga.
Bà nói: "Chúng tôi vẫn đang xem xét vấn đề này với người Ukraine, vì vậy tôi không có đủ lý lẽ để nói ra ngày hôm nay. Nhưng khi chúng tôi có thể cung cấp nhiều hơn, chúng tôi sẽ làm".
Trước đó, ngày 24/11, Tổng cục Tình báo Quân sự Ukraine (HUR) cho biết họ đã nghiên cứu mảnh vỡ thu đuợc từ loại tên lửa siêu vượt âm mới mà Nga dùng để tấn công thành phố Dnipro vào ngày 21/11.
Theo hãng tin Reuters, HUR cho biết loại vũ khí này có khả năng thuộc tổ hợp tên lửa Kedr có liên quan đến hệ thống Oreshnik và được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 6/2021. Trong đánh giá đầu tiên về tên lửa Oreshnik ngày 22/11, Ukraine nói rằng tên lửa Oreshnik đã tấn công thành phố Dnipro vào ngày 21/11, đạt tốc độ tối đa hơn 13.000 km/h và mất khoảng 15 phút để đến mục tiêu từ vị trí phóng.