Công điện cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 35.148 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2019 (bằng 9,3% kế hoạch vốn được Quốc hội thông qua) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng giao vốn.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm chỉ đạt 32,27% kế hoạch được Quốc hội thông qua, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 10,96%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ đạt 37,64%, vốn nước ngoài đạt 22,63%).
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm chỉ đạt 32,27%, giảm 5,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa. |
“Có 35 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đạt dưới 40%, trong đó 18 bộ, cơ quan trung ương và một địa phương dưới 20% kế hoạch được Quốc hội giao. Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết”, văn bản nêu rõ.
Công điện chỉ ra bên cạnh một số nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay do yếu tố chủ quan, nhất là những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.
Cụ thể, thực hiện giao vốn còn chậm; dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; thanh, quyết toán còn chậm; công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ nguyên nhân và trình Thủ tướng trong tháng 8 việc giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương còn lại của năm 2019 (35.148 tỷ đồng); chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về việc chậm phân bổ số vốn còn lại. Chú trọng theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo quy định pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện điều chuyển theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/10 để điều chuyển hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn; từ bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân chậm sang bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn.
Đối với số vốn không có khả năng giao kế hoạch năm 2019, bộ này cần tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/9 để thu hồi.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, rà soát, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10 về các vướng mắc (nếu có) trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và công tác đàm phán hiệp định từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực; nguyên nhân và giải pháp khắc phục.