Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng không hài lòng vì tiến độ giải ngân thấp kỷ lục

Nhấn mạnh tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã trở nên cấp bách, nóng bỏng, là áp lực nội tại của Chính phủ, Phó thủ tướng hỏi lãnh đạo các bộ, ngành “có thấy vô cảm không”.

Ngày 19/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành và lãnh đạo Hà Nội, TP.HCM để đốc thúc tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn đang.

Theo đánh giá, việc giải ngân đang thực hiện rất chậm trong thời gian qua.

Đừng vô cảm với đồng vốn ngân sách

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình Bộ KH&ĐT vì đã chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng giao vốn đầu tư công, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục.

“Kiểm toán Nhà nước có kết luận không bố trí được 2.400 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng từ tháng 9 năm ngoái mà tới nay Bộ KH&ĐT chưa trình, sửa được Quyết định số 1256 của Thủ tướng. Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ của Bộ phải chịu trách nhiệm về việc này”, ông phê bình.

giai ngan von dau tu cong anh 1
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, với việc giao vốn chậm cho các địa phương, bộ, ngành hay doanh nghiệp Nhà nước thực hiện các dự án khác, Phó thủ tướng cũng nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ KH&ĐT và vụ trưởng các vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Kinh tế đối ngoại trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án.

“Tình hình rất cấp bách, nóng bỏng. Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này, nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước. Các đồng chí có thấy vô cảm không?”, Phó thủ tướng gay gắt nói.

Ông cũng nhấn mạnh các yếu kém trong quản lý đầu tư của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, yếu kém của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là vấn đề nghiêm trọng, phải được xoá bỏ.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao trong tháng 8 này; trước 30/9 phải trình Thủ tướng việc hủy kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; trước 10/10 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỷ lệ giải ngân cao.

Bộ Tài chính được yêu cầu công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án. Từ đó, chủ động kiểm soát, thống kê số liệu giao vốn tại Kho bạc Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về đám phán vốn vay nước ngoài và phối hợp giao vốn, điều chỉnh vốn vay của các bộ, ngành, địa phương.

Phó thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Công điện của Thủ tướng về đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và cho biết ngày 15/9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.

Giải ngân chậm, thấp nhất trong những năm gần đây

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết trong 7 tháng qua, cả nước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước đạt 134.494 tỷ đồng, đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây.

giai ngan von dau tu cong anh 2
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương chậm giải phóng mặt bằng, khiến việc xây dựng tiếp tục trễ hẹn. Ảnh: Lê Quân.

Nguyên nhân là một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai và một phần là các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai...

Là địa phương có số vốn đầu tư công giao lớn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỷ đồng của năm 2019. Vốn ODA thì khá hơn khi giải ngân được khoảng 50% trong tổng số 800 tỷ đồng.

Nguyên nhân giải ngân chậm là chậm trễ trong chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. “Trong tổng số 4.215 tỷ đồng chi cho việc này thì việc chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho tuyến metro số 2 là hơn 2.000 tỷ đồng nhưng hiện nay TP chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư theo phân cấp của Thủ tướng, nên chưa thể chi vốn”, ông Tuyến giải thích.

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Ngô Văn Quý thông tin TP mới giải ngân được 24,7% kế hoạch vốn giao cũng vì nguyên nhân chậm chi trả giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư phải tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật. “Tuy nhiên, dù thế nào thì nguyên nhân chủ quan vẫn là quan trọng nhất làm chậm tiến độ giải ngân”, ông Quý nói.

Lãnh đạo hai TP lớn đều khẳng định quyết tâm siết chặt trách nhiệm, kỷ luật đầu tư công tới các cá nhân cụ thể.

Theo báo cáo, không chỉ dừng ở giải ngân chậm, hiện nay vẫn còn hơn 35.000 tỷ đồng chưa được Bộ KH&ĐT tổng hợp nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng giao vốn. Lẽ ra việc này phải hoàn thành trong tháng 5/2019.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho hay trong số chưa giao vốn này có 9.900 tỷ đồng chưa giao cho Tập đoàn Dầu khí và Vietel do các dự án của các đơn vị này chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công; 2.400 tỷ đồng chưa giao cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các vùng do tháng 9/2018, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị không giao vốn vì không đúng quy định.

Phó thủ tướng và bộ trưởng cùng nhắn tin, kêu gọi ủng hộ người nghèo

Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia ủng hộ người nghèo năm 2019 vừa chính thức được mở để tiếp nhận tin nhắn ủng hộ, giúp người nghèo thay đổi cuộc sống.


Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm